Giám đốc bệnh viện: Được giao nhiều quyền mà... lo!
13:17' 08/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Không phải giám đốc bệnh viện (BV) nào cũng muốn nhận "đặc quyền" được trao từ Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính trong các bệnh viện công lập. Đó là ghi nhận từ buổi họp sáng 7/4 giữa Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM với các BV tại TP.HCM. Một cuộc thăm dò trước đó của VietNamNet ở TP.HCM và miền Đông Nam bộ cũng cho thấy như vậy.

Đừng hỏi tôi cái đó!

Có nhiều giám đốc BV không muốn đề cập những vấn đề liên quan Thông tư này.

Giám đốc BV Bà Rịa Võ Văn Hùng: "Chỉ thay đổi về chất, chưa chuẩn bị kỹ về lượng!"

Đầu tiên là khu vực TP.HCM. Tiếp xúc với mười giám đốc thì hết bảy vị đã tế nhị từ chối bằng câu: "Ở BV tôi chưa thực hiện nên tôi chưa thể phát biểu điều này!". Hỏi: "Thế dự định khi nào BV sẽ tiến hành làm?". Đáp (gần như cùng nội dung sau): "Chưa biết, chúng tôi còn phải chờ tình hình chung xem sao". Lại hỏi: "Thế nhưng Nghị định 10 ban hành cũng đã lâu, đâu là những vướng mắc ông, bà có thể nhìn thấy trước khi thực hiện Thông tư?". Đáp (giống nhau hoàn toàn): "Vướng mắc thì ở BV tôi cũng giống như ở các BV khác. Hổm rày tôi bận nên chưa nghiên cứu kỹ để trả lời cô". Riêng giám đốc một BV lớn ở TP.HCM thì nhăn mặt lắc đầu, vẻ không chịu đựng nổi những điều phi lý: "Thực hiện làm sao mà được. Vụ gì đưa ra cũng có vấn đề. Mệt quá! Hỏi cái khác, tôi sẵn sàng trả lời, đừng hỏi tôi cái này!".

Chuyển vùng.

Giám đốc BV Thống Nhất (Đồng Nai) Từ Thanh Chương: "Tăng viện phí là cái "bẫy nghèo" đối với người cận nghèo!"

Điện thoại về một BV thuộc tỉnh Long An, bà quyền giám đốc ngần ngừ: "Cái này đụng đến nhiều nơi lắm, tôi chưa có thể phát biểu liền ngay bây giờ. Để tôi xem, rồi một - hai tuần nữa cô điện lại được không?".

Nói chuyện với giám đốc một BV thuộc tỉnh Đồng Nai, vẫn gặp điệp khúc từ chối quen thuộc "chúng tôi chưa làm" nhưng thái độ không quá tránh né, lạnh lùng. Và ông mau lẹ "chuyền banh" sang địa chỉ khác: "BV đó làm rồi, cô qua đó xem sao!".

Qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giám đốc hai BV tỉnh đồng ý trả lời. Nhưng giờ chót, một vị điện thoại để rút lại lời hẹn.

Tìm qua tỉnh Tây Ninh. "Thông tư hướng dẫn chưa thấy. Nghị định 10 hả, cái này... mới quá!" - giám đốc một BV ở Tây Ninh đáp (và... cười) - "Thôi! Đừng bắt tôi trả lời, cơ quan tôi chuẩn bị có hội nghị nghiên cứu khoa học, cô có lên viết mấy vụ này thì lên!"...

Không phải muốn tuyển là tuyển...

Riêng những giám đốc chịu "bung" ra những điều bức xúc thì kết luận về việc giao nhiều quyền cho họ là: "Thay đổi về chất nhưng chưa chuẩn bị kỹ về lượng", "nửa vời", "còn nhiều ràng buộc, chưa thực sự cởi trói",... 

Liệu các BV có khuyến khích bệnh nhân làm các xét nghiệm kỹ thuật cao như thế này để tăng thu?

Lý do? Bởi còn nhiều Thông tư, Nghị định song hành, chỏi nhau, chưa có văn bản phủ nhận. Theo những quy định hiện nay thì không phải giám đốc "muốn tuyển ai thì tuyển", "muốn đuổi ai là đuổi" như mọi người vẫn tưởng mà điều này phải phù hợp với các quy định trong Pháp lệnh công chức, Luật Lao động, hoặc trong những văn bản thấp hơn về Bộ, ngành... Từ trước đến nay, chức vụ từ phó giám đốc BV tỉnh trở lên đều do UBND tỉnh bổ nhiệm, các trưởng Khoa do Sở Y tế quyết định. Còn định biên cán bộ thì được trên đưa xuống, cụ thể là từ bên Sở Nội vụ - dù cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn chưa có những căn cứ phù hợp để định biên mà dựa vào những quy định cũ rích. (Do vậy, không ít trường hợp đã đẩy người giám đốc BV vào thế "nhận những gì mình không muốn nhận".)

Nếu vậy, nếu BV đã được tự chủ về con người thì định biên làm gì? Có giám đốc còn băn khoăn: Trên lý thuyết thì người giám đốc có rất nhiều quyền, nhưng lại quy định vai trò song song của công đoàn nhưng chưa quy định cụ thể như thế nào để không gây mâu thuẫn với nhau. 

Một ví dụ minh hoạ cho việc tuyển người không dễ là khu vực tỉnh Đồng Nai vẫn còn thiếu ít nhất 15 BS, song UBND tỉnh lại có Chỉ thị 750 về điều kiện tuyển dụng cán bộ. Chỉ thị ấy có quy định: người được tuyển dụng phải có hộ khẩu và lớn lên ở Đồng Nai. Do đó, người Đồng Nai học xong thì ở lại TP.HCM, còn người nơi khác đến thì không thể nhận chính thức vào biên chế.

Đâu phải "muốn tăng là tăng"

BS Hoàng Thị Quý, giám đốc BV Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch (TPHCM): "Bảo hiểm y tế phải thanh toán đủ."

Kinh phí luôn là vấn đề nhạy cảm. Việc tăng viện phí không phải dễ thực hiện khi Nghị định 95 và Thông tư 14 quy định thu một phần viện phí và khống chế giá trần vẫn còn hiệu lực. Thu một phần viện phí  thực chất là người bệnh chi cho tiền thuốc, tiền máu, tiền hóa chất...  Tự chủ về tài chính mà giá viện phí không đổi, "lỗi thời, không hợp lý", trong khi chi phí đầu vào, điện nước... đã trượt giá vèo vèo. Cơ bản như thuốc, máy móc nhập từ nước ngoài về luôn tính bằng USD và tỷ giá đông/USD cứ tăng lên. Ở một số BV, giá khám là 3.000đ/lần, còn ở Trung tâm Y tế (TTYT) chỉ có 1.500đ/lần,... Thu được, liệu có bù được chi?

Nhiều người cũng e ngại việc trao quyền tự chủ cho giám đốc sẽ tạo ra các vấn đề khác nữa: Liệu vì vậy mà các BV sẽ... lạm dụng nhiều loại thuốc đắt tiền và làm các xét nghiệm, các phương pháp điều trị kỹ thuật cao để thu phí? Liệu cá nhân giám đốc có lôi kéo "người nhà" vào làm dù không đáp ứng được yêu cầu công việc, hay các bác sĩ tuyến dưới sẵn sàng rời bỏ công việc đề về các bệnh viện lớn?,...

Trong khi đó, các giám đốc BV lại e ngại chuyện khác: Liệu mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản đầu ngành với đơn vị thực hiện sẽ như thế nào, có bị phá vỡ nếu giám đốc BV có toàn quyền? Quyền lực, vai trò lãnh đạo của cơ quan đầu ngành sẽ như thế nào? Trước đây, mua gì từ 10 triệu đồng trở lên đều phải trình qua Sở Y tế, còn đơn giá viện phí thì do UBND duyệt. Do đó, hiện vẫn chưa có quy định rõ cái nào Sở Y tế "quyết", cái nào giám đốc BV được quyền làm.

Ngoài ra, còn có vấn đề kinh phí hoạt động thường xuyên. Hầu hết giám đốc của các BV có đông bệnh nhân đều thắc mắc: Liệu những nơi thu viện phí được nhiều thì kinh phí có bị "bóp" lại, và dựa vào đâu để điều phối kinh phí hợp lý? Tại BV Thống Nhất (Đồng Nai) - đơn vị đã thực hiện Nghị định 10 được một năm, kinh phí từ trên rót xuống không đủ, quy định 24 triệu đồng/giường bệnh nhưng thực tế chỉ nhận có 16 triệu đồng/giường bệnh. Trong khi đó, để thu hút bệnh nhân, BV phải chi nhiều để đầu tư trang thiết bị và con người.

Nơi "giàu có", nơi khó khăn, áp dụng làm sao?

Giải quyết hài hòa bài toán kinh tế và lợi ích của bệnh nhân nghèo

BS Nguyễn Thế Dũng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM

"Kéo dài và cứ bàn tới bàn lui rất mất thời gian, không khoa học và chẳng kinh tế chút nào. Hiện nay, chi phí y tế ngày một tăng cao. Nếu không khéo, không quan tâm, cứ "niềng" hoài sẽ không ai dám đầu tư cho y tế. Cần phải tháo gỡ vướng mắc và có những bước đi phù hợp, mở rộng ra hơn để kinh phí đầu tư ngày một tăng cao, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội. Nếu năm năm sau đầu tư y tế vẫn vậy thì có thể vẫn sống được nhưng không làm sao khắc phục được những cái tệ của ngành y tế và phục vụ người dân tốt hơn.

Nếu muốn phát triển, nên xem y tế là một ngành đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho đất nước, đừng xem là một ngành "bám đuôi". Phải tính bài toán kinh tế nhưng trên cơ sở phải đảm bảo tất cả người nghèo đều phải được chữa trị. Giải quyết nghiêm túc vấn đề cho người nghèo, ngành dám hứa điều đó. Đơn vị nào không chữa trị cho người nghèo sẽ bị khiển trách và giám đốc Sở cũng phải chịu trách nhiệm.

Kiến nghị: 1. Cho phép TP.HCM có định mức thu riêng của khu vực để có sự an toàn về mặt tài chính 2. Thời gian giao kinh phí nên chỉ một năm, để ba năm thì quá dài, các đơn vị khó thực hiện được. 3. Phân nhóm các BV không phải thực hiện từ tháng 6/2004, theo kế hoạch của UBND TP.HCM: Những đơn vị chưa thực hiện được; những đơn vị còn nợ tiền thuốc; những đơn vị Sở Y tế phải điều tiết; các cơ sở điều trị các bệnh xã hội, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2. "

BS Nguyễn Thế Dũng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM (trích phát biểu tại cuộc họp sáng 7/4 ở BV Mắt TP.HCM)  

Không phải hễ BV lớn, đông bệnh nhân thì nguồn thu đều dồi dào. Tại các BV điều trị các bệnh xã hội như Lao, Tâm Thần thì nguồn thu vẫn còn hạn chế. Hay ở BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, theo quy định của Thông tư 14 là không được thu viện phí đối với trẻ em dưới sáu tuổi, vậy khi áp dụng tự chủ về tài chính mà không có sự sửa đổi (Thông tư) thì cũng rất khó thực hiện.

Các BV ngoại thành, các TTYT còn khó khăn nhiều hơn vì phải "gồng gánh" cả hai hệ điều trị và dự phòng. Nhu cầu y tế ngày càng tăng lên nhiều lần trong khi kinh phí nhiều năm "vẫn vậy". Riêng tuyến dự phòng, kinh phí được cấp dựa trên định mức người dân, "trước sau như một", nhưng các chương trình y tế quốc gia đẩy về "ào ào", có cái không có kinh phí. Nguồn thu thấp, không đủ hoạt động, quỹ giảm, chất lượng điều trị thấp, đời sống cán bộ, nhân viên (CBNV) khó khăn, "bảo đảm giữ vững mức lương như hiện nay còn khó, nói chi tăng đến 2,5 lần" - một giám đốc phát biểu.

Có BV phải ứng tiền trích thưởng cho CBNV trước, nợ ghi lại, khi nào kinh phí bổ xuống thì trả lại. Nếu tính tự thu tự chi, mỗi năm BV thiếu khoảng... 3 tỷ đồng! Chưa tháo gỡ, sẽ vẫn còn vướng mắc rất nhiều!

Chuyện người nghèo: Chưa tính kỹ!

Vấn đề người cận nghèo, người nghèo, người lang thang, vô gia cư... cũng được đặt lên "bàn cân" với những cụm từ "nếu- phải- thì..." trong quá trình chuẩn bị triển khai giao quyền giám đốc BV. Nơi nào cũng bảo đảm người nghèo sẽ được khám chữa bệnh đầy đủ. Nhưng khi phải cân đo đong đếm tiền nong, giám đốc BV yêu cầu cần phải xem xét lại công tác cấp giấy khám chữa bệnh cho người nghèo đúng đối tượng và thanh toán đủ bảo hiểm y tế (BHYT).

Hiện tại, có thể phân loại người nghèo theo ba dạng: người nghèo có bảo hiểm của các đơn vị, người nghèo có sự giới thiệu của xã, phường và người nghèo không có gì. Thực tế, các BV phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân là dân nhập cư; có thẻ nghèo, BHYT nhưng không thực sự nghèo; hoặc nghèo và không có (thẻ, BHYT) gì hết. Tuy có chủ trương BHYT cho người nghèo nhưng việc triển khai là rất chậm; và chưa có giải pháp cho đối tượng lang thang, di dân đi làm thuê và đối tượng cận nghèo. BV phải gánh vác những phần "dôi dư", không được bảo hiểm thanh toán. Ông Võ Văn Hùng, giám đốc BV Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: "Bệnh nhân nghèo bị bệnh mới tìm đến mình. Không lẽ họ vô đây, mình thấy người ta không có thẻ rồi kêu người ta về. Có khi cán bộ BV phải bỏ tiền túi ra cho những trường hợp bệnh nhân bị bệnh nặng mà không có tiền cũng không có thẻ...".

BV nào cũng bảo đảm người nghèo sẽ được khám chữa bệnh đầy đủ. Trong ảnh: Mổ miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Riêng vấn đề thanh toán BHYT cũng bị các giám đốc BV kêu ca và phàn nàn. Nếu thực hiện Nghị định 10, để có thể cân đối thu chi thì phải thanh toán BHYT đầy đủ. BS Hoàng Thị Quý, giám đốc BV Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cho biết: "Vấn đề này tại BV vẫn đang còn tồn tại nhiều bất hợp lý. Ví dụ: Chẩn đoán nội soi cho bệnh nhân ngoại trú thì được thanh toán, còn nội trú thì không. Thuốc hen cho thanh toán nửa vời, thuốc phối hợp, dù rẻ, dù hiệu quả nhưng không được thanh toán...".

Phải... "tập đi"!

Giao quyền tự chủ cho giám đốc BV được nhiều người nhìn nhận là một bước đi mới, phù hợp với xu thế. Tuy vậy, cần xem lại quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân giám đốc trong BV. Trước nay, đa số BV đã quen được bao cấp. Tư tưởng ỷ lại, thụ động vẫn còn rất lớn. Bây giờ, khi người giám đốc BV được giao nhiều quyền, chịu trách nhiệm về những việc mình làm chính là một sự thử thách năng lực thực sự của họ, để không xảy ra những hậu quả xấu. Song song đó, nếu các giám đốc "không khéo tập đi sẽ bị vấp ngã" khi thực thi quyền tự chủ.

Ngoài việc "quen bú bình sữa bao cấp", giám đốc các BV thường xuất thân từ BS chuyên môn, chưa qua hoặc không được đào tạo sâu về quản lý kinh tế bệnh viện... "Đổi mới tài chính phải song song với đổi mới con người quản lý tài chính và đổi mới hệ thống BV". Một giám đốc phát biểu. Ngoài ra, áp dụng cơ chế mới, cũng đòi hỏi sự  công khai hoá, dân chủ hóa...

  • Bài, ảnh: Vân Điển 
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đà Nẵng: Vượt chỉ tiêu trong ngày hội hiến máu nhân đạo (07/04/2004)
Sử dụng máu toàn phần cao, ít hiến máu từng phần (07/04/2004)
Tạo ra cạnh tranh giá giữa các hãng dược phẩm (06/04/2004)
80% ca cấp cứu: Do tai nạn giao thông! (06/04/2004)
Không nên cho trẻ nhỏ xem ti-vi (06/04/2004)
Không có tai nạn mới là an toàn giao thông đường bộ (06/04/2004)
30 triệu thanh thiếu niên Trung Quốc bị rối loạn tâm lý (06/04/2004)
Làm từ từ do... thiếu cơ chế đồng bộ về tài chính (05/04/2004)
4.000 người đi bộ nhân "Ngày toàn dân hiến máu" (04/04/2004)
Viagra trên chuột = Tuyệt sinh! (04/04/2004)
Cách mạng ngành dược để thuốc nội khỏi "chết yểu"! (03/04/2004)
Cảnh giác: Xuất hiện bệnh viêm não virus! (01/04/2004)
Giao quyền cho giám đốc bệnh viện: Sẽ chỉ... thí điểm! (01/04/2004)
Tăng cường trí nhớ nhờ cam thảo (31/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang