Nhân Ngày Sức khỏe thế giới 7/4:
80% ca cấp cứu: Do tai nạn giao thông!
20:55' 06/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Mỗi ngày, trung bình Khoa cấp cứu của Bệnh viện Việt - Đức tiếp nhận 130-150 ca, trong đó 80% là do tai nạn giao thông (TNGT). BV quá tải, song TNGT vẫn cứ tăng!

Phòng cấp cứu của BV Việt - Đức, chiều 6/4. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

BS Nguyễn Đức Chính, trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Việt - Đức cho chúng tôi xem bảng thống kê số bệnh nhân nhập viện. Qua đó, có thể thấy số bệnh nhân đến khám và điều trị phẫu thuật tăng mạnh, công suất sử dụng giường là 122%. Bệnh nhân cấp cứu chiếm hơn 40%, số bệnh nhân không đúng tuyến chiếm 32%, đặc biệt bệnh nhân cấp cứu do TNGT là 48,3%, trong đó số lượng TNGT bị đa chấn thương chiếm lượng nhiều nhất 60%. Có những đợt cao điểm, số bệnh nhân do TNGT tăng cao, như tháng 1/2004 có tới 2.114 trường hợp (chết 39 người), tháng 3/2004 có 1.364 ca (chết 20 người).

3g chiều 6/4, Khoa cấp cứu BV Việt - Đức tấp nập người ra vào. Bệnh nhân đang chờ cấp cứu được chuyển vào phòng mỗi lúc một đông. Phòng thường trực của Khoa rộng chừng 15m2 không còn lấy một chỗ trống...

Sau khi chen chân vào được Phòng cấp cứu, phải đợi 25 phút chúng tôi mới gặp được BS Đoàn Quốc Hưng, trưởng trực ca cấp cứu. BS Hưng vừa hoàn thành ca mổ cho bệnh nhân bị TNGT. Bệnh nhân là Nguyễn Văn V., 28 tuổi, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, bị tai nạn khi đang điều khiển xe máy, nhập viện lúc 3g sáng ngày 5/4, được xác định đa chấn thương: chấn thương sọ não, ngực kín vùng bụng, vỡ gan, gãy hố xương đùi bên trái. Mặc dù nhập viện từ 3g sáng nhưng đến 9g15 sáng cùng ngày mới được mổ. Đến nay, bệnh nhân V. đã qua cơn nguy hiểm, đặt dẫn lưu màng phổi trái, khâu gan, lách, chân đã được băng bó nhưng bệnh nhân này phải mổ lại chân một lần nữa.

BS Hưng cho biết: ''Trường hợp này không thuộc ca trực của tôi nhưng do khi bệnh nhân nhập viện, các phòng cấp cứu đang phải mổ cho trường hợp khác, số bác sĩ cũng không đủ nên phải để bệnh nhân đến sáng. Lúc đó đã sang ca mới nên tôi tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Hơn nữa, các BS trực của ca trước đã phải mổ 17 ca trong vòng 24g trực của mình. Đây là công việc hàng ngày của chúng tôi. Điều đáng nói là số lượng bệnh nhân do TNGT tăng lên khá cao trong thời gian gần đây...''.

Theo Bộ Y tế, riêng năm 2003, cả nước đã xảy ra 20.774 vụ tai nạn giao thông làm 11.864 người chết.. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ chiếm 96% với 19.852 vụ.

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2004, tai nạn giao thông diễn ra khá phức tạp, số vụ tai nạn giảm 29%, số bị thương giảm 40,7% nhưng số người chết lại tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đang dở câu chuyện với chúng tôi, BS Hưng vội đi cấp cứu cho bệnh nhân mới. Lại thêm một trường hợp bị TNGT. Một lúc sau, BS Hưng quay lại và cho biết: ''Bệnh nhân này đã được sơ cứu ở tuyến dưới nhưng gia đình không yên tâm nên chuyển lên đây''. Bệnh nhân L.Đ.L., 47 tuổi ở Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh được chuyển từ BV Việt Nam - Ba Lan của Hà Tĩnh lên trong tình trạng chấn thương sọ não, hàm mặt bị chấn thương, gãy xương tay trái và cẳng tay phải. ''Những trường hợp như thế này là chuyện ''cơm bữa'' đối với các BS phẫu thuật như chúng tôi.'' - BS Hưng nói.

Chỉ trong một ca trực của một BS, có đến 11-12 ca cấp cứu phải mổ, 85% trong đó là TNGT. Bệnh nhân chủ yếu ở các tỉnh. Đơn cử như ca trực của BS Đoàn Quốc Hưng, tính đến 3g chiều, tức là được nửa ca trực, đã tiếp nhận bảy ca, trong đó phải mổ một trường hợp tai nạn giao thông đa chấn thương. Mỗi ca trực có năm BS, nên chỉ cần làm phép tính đơn giản cũng biết có đến hàng chục ca cấp cứu phải nhập viện do TNGT.  

Bệnh nhân L.Đ.L. tại Phòng cấp cứu. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Có lẽ thời điểm cao điểm nhất có đông bệnh nhân nhập viện là khoảng 21-22g hàng ngày. Theo BS Đoàn Quốc Hưng, đây là lúc số lượng người tham gia giao thông đông hơn cả. Hơn nữa, cũng là lúc các trường hợp bệnh nhân ở tuyến dưới được chuyển lên khá đông vì họ mất nhiều thời gian đi lại nên đến BV muộn. Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị chết oan khi ở tuyến dưới có thể chữa được nhưng người nhà không yên tâm, đưa người bệnh lên tận BV Việt - Đức. 

Tỷ lệ tử vong tại BV đang ở mức độ trầm trọng. Trước đây, chỉ có một - hai trường hợp tử vong trong mười ca nhập viện. Vậy mà  hiện nay, đặc biệt là dịp Tết vừa qua, cứ mười ca thì có đến ba - bốn bệnh nhân tử vong. Nguyên nhân chính gây ra những cái chết thương tâm là do ý thức của người tham gia giao thông. Những người bị tai nạn chủ yếu là thanh thiếu niên và người lao động. Họ thuộc số những người không hiểu biết về Luật Giao thông, hoặc có hiểu luật nhưng không tuân thủ đúng quy định. Hơn nữa, hệ thống y, bác sĩ tuyến dưới còn hạn chế, cũng như cơ sở trang thiết bị phục vụ cấp cứu chưa đầy đủ nên hễ gặp bệnh nhân bị tai nạn là chuyển thẳng lên tuyến trên. BV tuyến trên luôn quá tải, song TNGT vẫn cứ tăng!

  • Lệ Hà

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Không nên cho trẻ nhỏ xem ti-vi (06/04/2004)
Không có tai nạn mới là an toàn giao thông đường bộ (06/04/2004)
30 triệu thanh thiếu niên Trung Quốc bị rối loạn tâm lý (06/04/2004)
Làm từ từ do... thiếu cơ chế đồng bộ về tài chính (05/04/2004)
4.000 người đi bộ nhân "Ngày toàn dân hiến máu" (04/04/2004)
Viagra trên chuột = Tuyệt sinh! (04/04/2004)
Cách mạng ngành dược để thuốc nội khỏi "chết yểu"! (03/04/2004)
Cảnh giác: Xuất hiện bệnh viêm não virus! (01/04/2004)
Giao quyền cho giám đốc bệnh viện: Sẽ chỉ... thí điểm! (01/04/2004)
Tăng cường trí nhớ nhờ cam thảo (31/03/2004)
Cấm quảng cáo sản phẩm thay sữa cho trẻ dưới 12 tháng (31/03/2004)
Người lớn được kiểm tra mắt miễn phí (31/03/2004)
Quản lý giá thuốc theo ba nhóm (31/03/2004)
"Children of Vietnam" giúp Đà Nẵng gần một tỷ đồng (31/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang