(VietNamNet) - Nhiều bệnh viện (BV), nhất là những BV tuyến dưới không mấy ''mặn mà'' với thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính trong BV công lập theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP. Trả lời báo chí về việc này, bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến nói: ''Chưa thực hiện đại trà, chỉ làm thí điểm''.
Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến nhấn mạnh: ''Hiện nay, đối với huyện nào có thu nhập dân cư khá, có thể thu viện phí thì được làm đề án để lãnh đạo huyện, tỉnh thẩm định. Sau đó, Sở Y tế có ý kiến cho phép có tự chủ hay không. Hiện nay, chỉ thí điểm một số nơi, chưa thực hiện đại trà. Đối với cơ sở tuyến huyện, Chính phủ đã cho phép xây dựng đề án nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tuyến xã. Chúng tôi đang huy động nguồn lực hỗ trợ cho các BV xây dựng, đầu tư trang thiết bị...''.
Nỗi lo của BV tuyến dưới
BV Bạch Mai, một trong những bệnh viện có lượng người đến thăm khám bệnh khá đông, đã thực hiện thử nghiệm khoán chi thu từ vài năm gần đây và có những chuyển biến về hành chính nhằm khám chữa bệnh được tốt hơn.
GS TS Trần Quỵ, giám đốc BV Bạch Mai, cho biết: ''Đây là chủ trương đúng đắn cần cải cách. Thứ nhất, chúng ta đang xoá bỏ bao cấp và bước vào cơ chế thị trường nên cần phát huy tính chủ động cho từng đơn vị. Thứ hai, giao quyền tự chủ cho cơ sở không có nghĩa là khoán trắng mà các đơn vị phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Thứ ba, cải cách hành chính là hình thức Nhà nước ta đang khuyến khích. Chẳng hạn trước đây, muốn chi tiêu việc gì phải xin phép Bộ Y tế. Có khi BV đang cần chi việc gì nhưng Bộ Y tế không cho cũng đành chịu. Giao quyền tự chủ cho giám đốc sẽ giải quyết công việc nhanh hơn mà cũng hiệu quả hơn''.
|
Thực hiện Nghị định 10, việc khám chữa bệnh được nâng lên mà cả trang thiết bị cũng được đầu tư cao hơn? |
Theo ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng phòng kế toán BV Saint Paul (Xanh Pôn): ''BV Xanh Pôn đã thực hiện theo thông tư này từ hai năm nay. Trước đó, BV gặp không ít khó khăn. Sau khi áp dụng Nghị định 10, BV đã tăng thu lên 1,8 lần so với năm 2001. Không những việc khám chữa bệnh được nâng lên mà trang thiết bị cũng được đầu tư''.
Hiện nay, nguồn ngân sách do Nhà nước cấp được tính theo giường bệnh, nghĩa là những BV có nhiều giường bệnh thì nguồn ngân sách cấp sẽ cao hơn so với BV có ít giường bệnh. Những bệnh viện ở tuyến dưới, bệnh nhân chủ yếu là ở đối tượng cận nghèo, nếu muốn thu hút người bệnh thì phải hạ viện phí, như vậy đồng nghĩa với nguồn thu sẽ không tăng.
Vì vậy, dường như các BV tuyến trên tỏ ra ''hào hứng'' với Thông tư giao quyền tự chủ, trong khi BV tuyến dưới lại tỏ ra lo lắng.
Cách Hà Nội không xa, BV đa khoa Bắc Ninh có số lượng bệnh nhân khá đông. Đề cập đến vấn đề giao quyền tự chủ cho giám đốc BV, thầy thuốc ưu tú Đinh Xuân Đỗ, giám đốc BV đa khoa Bắc Ninh cho biết: "Đã 14 năm công tác ở một BV tuyến huyện, tôi hiểu thực tế ở BV tuyến huyện. Thông tư chỉ có thể bắt đầu triển khai từ BV tuyến tỉnh trở lên. Hơn nữa, ngay cả khi giao quyền tự chủ cho BV nhưng kinh phí duyệt chi trong năm lại do cơ quan chủ quản là Sở Y tế địa phương quyết định. Giá thu viện phí do từng tỉnh do chính UBND tỉnh đó quyết định trên cơ sở giá trần và giá sàn do Bộ Y tế quy định”.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị cho các BV tuyến dưới còn hạn chế. Đến nay, trang thiết bị đầu tư cho BV đa khoa huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình còn rất mỏng với một máy siêu âm đen trắng, máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở... 100 giường bệnh phần lớn đã sử dụng từ năm 1978. Giám đốc BV, BS Đặng Đào Anh nói: ''Nguồn thu chính của y, bác sĩ tại đây là đồng lương, ngoài ra không có khoản nào khác. Việc áp dụng Thông tư này là rất khó. Bệnh nhân của chúng tôi thuộc đối tượng nghèo và cận nghèo''!
Giá viện phí có tăng khi giao quyền tự chủ?
Đây là một trong những băn khoăn của người bệnh, nhất là đối tượng nghèo, khi Thông tư có hiệu lực. Bày tỏ băn khoăn này với BV Bạch Mai, GS TS Trần Quỵ, cho biết: ''Về thu viện phí, trước đây vài năm BV Bạch Mai thu 20 tỷ đồng/năm nhưng hiện nay trên 100 tỷ đồng/năm. Hiện BV chỉ thu một phần viện phí, đáng lẽ 100.000 đồng nhưng BV chỉ thu 20.000 đồng. Thu thì thu một phần viện phí, kinh phí thì được Nhà nước cho 30-40% bây giờ lại tự chủ là rất khó khăn. Giá viện phí hiện nay vẫn không có gì thay đổi''.
Chúng tôi đã may mắn gặp và trao đổi với PGS Tôn Thất Bách, giám đốc BV Việt - Đức về Thông tư này trước khi ông ra đi. PGS Tôn Thất Bách nói: ''Chúng tôi rất ủng hộ Thông tư này nhưng trước khi đem áp dụng trên toàn bộ các BV thì phải làm thí điểm. Nếu được chọn làm thử, BV Việt - Đức sẵn sàng. Khi áp dụng, giá viện phí có tăng hay không còn tuỳ thuộc vào thời điểm đó. Nhưng theo những dự kiến ban đầu của tôi, nếu được giao quyền tôi phải được tự chủ hoàn toàn, khó áp đặt viện phí như hiện nay''.
Như vậy, người bệnh có yên tâm về giá viện phí trong khi tất cả các BV áp dụng thông tư này còn phải chờ?
Người nghèo vẫn được miễn viện phí
Đó là lời khẳng định của hầu hết các giám đốc BV khi được hỏi một khi áp dụng Thông tư, người nghèo sẽ được hưởng những gì? GS TS Trần Quỵ nói: ''Thông tư này không ảnh hưởng đến người nghèo đến khám bệnh. Chỉ có điều do cơ chế chưa đồng bộ nên đáng lẽ giao cho các tỉnh có thẻ bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận cho người nghèo, thế nhưng các địa phương chưa làm được. Đa số lấy giấy chứng nhận tại địa phương mà giấy này bất kỳ ai cũng lấy được, nên sẽ rất khó cho BV khi xem xét''.
GS Trần Quỵ cho biết thêm: ''Theo quy định từ trước đến nay, người nghèo được miễn hoàn toàn viện phí và hiện chúng tôi vẫn thực hiện theo quy định chung. Điều đáng nói là đối tượng cận nghèo. Ai cũng xin giấy chứng nhận của xã chứng nhận nhưng thực chất không phải là đối tượng nghèo. Thế nên, cần có cơ chế để xác định người nghèo cần giấy chứng nhận nào và người cận nghèo dùng giấy nào để chúng tôi nắm được. Theo tôi, tốt nhất không thu viện phí mà nên đóng bảo hiểm y tế toàn dân càng sớm càng tốt. Với bảo hiểm này thì người nghèo không phải đóng tiền''.
Còn PGS Tôn Thất Bách nói: ''Hàng năm, BV Việt Đức vẫn thực hiện miễn phí với những bệnh nhân nghèo. Số tiền miễn phí là 200 triệu đồng/tháng. Nếu áp dụng Thông tư này, chúng tôi sẽ không khống chế tỷ lệ miễn giảm. Tiền viện phí chúng tôi thu được là 3,5 tỷ đồng/tháng, trong đó vẫn chi cho người nghèo 200 triệu đồng để miễn giảm viện phí''.
Ông Nguyễn Thống Nhất, BV Xanh Pôn cũng có ý kiến tương tự: "Từ trước đến nay, chúng tôi luôn lấy khoản thu khác bù đắp cho người nghèo. Riêng năm 2003, BV đã dành 3,5 tỷ đồng giúp đỡ người nghèo khám chữa bênh thông qua các hình thức miễn phí điều trị, cung cấp thuốc men... Việc cấp sổ bảo hiểm cho người nghèo cũng cần được quan tâm. Nếu bảo hiểm y tế được đóng đầy đủ thì việc tăng giá viện phí sẽ không ảnh hưởng đến người dân, nhất là những người nghèo và cận nghèo. Bởi toàn bộ chi phí sẽ do bảo hiểm chi trả''.
|