(VietNamNet) - Cùng với Bộ Y tế, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra ý kiến của mình về việc quản lý giá thuốc trong Dự thảo quy chế kiểm soát thuốc trình Chính phủ.
|
Không được bán thuốc cao hơn giá bán cho các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam. |
Theo đó, nhóm thuốc do Nhà nước đặt hàng bằng nguồn vốn ngân sách sẽ được quy định giá cụ thể. Bộ Y tế sẽ thực hiện đấu thầu theo quy định đối với nhóm thuốc do cơ sở y tế mua để cung cấp cho các đối tượng miễn phí, chính sách xã hội, thu một phần viện phí, bảo hiểm xã hội... Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc được phép tự định giá các loại thuốc được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam. Nhà nhập khẩu thuốc cần định giá bán thuốc phù hợp với thị trường và thực hiện đầy đủ việc kê khai giá nhập khẩu.
Đối với cơ sở sản xuất thuốc tại Việt Nam, cần định giá bán thuốc phù hợp với thị trường nhưng không được cao hơn giá bán cho các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam và thực hiện việc kê khai giá bán buôn thuốc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhà nước sẽ kiểm soát giá bán buôn, bán lẻ bằng thặng giá số bán buôn, bán lẻ do Bộ Tài chính quy định. Ngoài ra, Nhà nước sẽ yêu cầu thực hiện niêm yết giá. Cơ sở bán buôn phải niêm yết giá bán buôn và không được bán cao hơn giá đã niêm yết.
Sau cuộc họp với các bộ ngành liên quan về vấn đề giá thuốc, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có kết luận về giải pháp bình ổn giá thuốc chữa bệnh. Sau khi tìm ra nguyên nhân làm tăng giá thuốc trong thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra bảy biện pháp bình ổn giá thuốc và được Tổng công ty Dược Việt Nam ủng hộ.
Với bảy biện pháp mà Bộ Y tế đã đưa ra, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến: Những đề án, biện pháp cần sâu hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực chống độc quyền, khâu sản xuất và khâu cung ứng nhằm đảm bảo thuốc chữa bệnh cho người dân được bình ổn. Thứ hai, với những biện pháp đã đưa ra, giải pháp nào có thể làm ngay thì làm luôn, còn những gì chưa làm được phải nghiên cứu hoàn thiện.
|