Cảnh báo từ vỏ bao thuốc lá? Chưa thuyết phục!
20:51' 29/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - ''Thực sự tôi chưa thấy thuốc lá có hại như thế nào. Tôi nghĩ là ngành y tế, Chính phủ sẽ không cho phép sản xuất thuốc lá nếu nó có hại, như một dạo người ta cấm phẩm mầu ở thức ăn, hàn the ở bánh phở.'' - bạn Nguyễn Thanh T., 31 tuổi ở Hà Nội nói.

Những ý kiến như bạn T. không phải là ít, nhất là với những thanh thiếu niên đang tập làm người lớn với điếu thuốc. Tác hại của thuốc lá đến sức khỏe đã được cảnh báo nhưng không phải ai cũng nhận thức đầy đủ. Lại có những người hút thuốc nhưng không thấy được tác hại như bác Lê Văn H., 53 tuổi ở Hà Nam: ''Tôi hút thuốc từ khi còn là sinh viên, thuốc không có đầu lọc như bây giờ nhưng nói chung chưa thấy gì, trừ thỉnh thoảng hay có đờm vào buổi sáng''.

36,8% người hút thuốc không quan tâm đến lời cảnh báo

Cảnh báo như thế nào đây, trên các vỏ bao thuốc lá?

Kết quả điều tra của TS Nguyễn Đức Chính và Trịnh Minh Hoan của Viện Lao và Bệnh phổi Trung ương mới đây tại Hà Nội và Hà Nam cho thấy cách trình bày, kiểu chữ, kích thước và nội dung lời cảnh báo "Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ" trên các bao thuốc có rất ít ảnh hưởng đối với người hút thuốc.

Lâu nay, theo thông lệ quốc tế về việc hạn chế hút thuốc lá, trên mỗi vỏ bao thuốc, nhà sản xuất đã dành một phần ''khiêm tốn'' cho lời cảnh báo ''Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe''. Thế nhưng người hút thuốc hầu như không quan tâm đến lời cảnh báo này. Phải chăng nó ''trú ngụ'' quá nhỏ bé ở phần người ta không nhìn rõ? 36,8% những người hút thuốc thường xuyên được hỏi đều cho rằng không quan tâm đến lời cảnh báo. 16% thậm chí không để ý đến lời cảnh báo này.

Theo báo cáo của Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia, ước tính mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 30.000 người chết do thuốc lá. Trong những năm tới, sẽ có "khoảng 8 triệu người chết sớm vì hút thuốc''.

Trên thế giới, thuốc lá gây ra cái chết cho 5 triệu người/năm. Dự báo đến năm 2030, thuốc lá sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 10 triệu ca tử vong mối năm, 70% trong đó là từ các nước đang phát triển.

Khi được hỏi: ''Bạn có biết trên mỗi vỏ bao thuốc đều có dòng chữ ''Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe'' không?''. Bạn Phạm Ngọc V., 36 tuổi ở Hà Nội cho biết: ''Tôi thấy dòng chữ hút thuốc có hại cho sức khỏe, chỉ một dòng câu duy nhất nên cũng không để ý nữa. Chúng tôi hay để ý thuốc đó sản xuất ở đâu hơn là hút thuốc có hại cho sức khỏe''.

Bác Trần Xuân Hồng, 48 tuổi ở Hà Nam đã không ngại ngần cho biết ý kiến của mình: ''Khi tôi thấy hay bị viêm phế quản, làm việc nặng mà mau mệt, tôi nghĩ có lẽ do hút thuốc nhiều. Chỉ khi đó tôi mới quan tâm đến loại thuốc và chú ý xem xét các tin tức người ta nói về tác hại của thuốc lá và cả lời cảnh báo trên vỏ bao''.

Thay đổi lời cảnh báo thường xuyên hơn? Không dễ!

Chính do những hiểu biết còn hạn chế về tác hại của thuốc lá mà Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá đã xây dựng hẳn một ngân hàng... lời cảnh báo về tác hại của thuốc lá để sử dụng luân phiên trên các vỏ bao. Những lời này phải chiếm 1/3 tổng diện tích bề mặt bao bì nhằm gây ấn tượng mạnh tới người hút thuốc. BS Nguyễn Ngọc Khang, chuyên viên Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia cho biết như vậy.

Cũng theo điều tra trên, 30% người hút thuốc và 57,6% vị thành niên được hỏi đều có ý kiến: Những lời cảnh báo phải cụ thể hơn, trình bày nổi bật để dễ đập vào thị giác của người sử dụng, như ''Thuốc lá là tác nhân gây ung thư phổi'', ''Hút thuốc gây bệnh phổi mạn tính'', ''Hút thuốc lá có hại cho thai nhi'', ''Hút thuốc lá giết chết X người mỗi năm''...

Tuy vậy, đại diện Vụ Công nghiệp tiêu dùng - Bộ Công nghiệp lại có ý kiến khác: ''Hiện tại, việc in nhãn mác thuốc lá được thực hiện theo các quy định hiện hành. Trong công tác tổ chức sản xuất của Tổng công ty Thuốc lá, Bộ Công nghiệp không có quyền ra lệnh cho nhà máy nào thay đổi việc in nhãn mác bao bì để thay đổi thường xuyên lời cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình tiêu thụ sản phẩm của họ''.

Đại diện Vụ Chính sách - Bộ Thương mại cũng có ý kiến tương tự: ''Việc thay đổi lời cảnh báo trên nhãn mác liên quan nhiều vấn đề và nhất là ảnh hưởng đến dây chuyền công nghệ in vỏ bao, rất tốn kém và ảnh hưởng đến lưu thông''.

Lại một vòng lẩn quẩn về chuyện cảnh báo như thế nào qua vỏ bao thuốc lá, trong khi ngành công nghiệp thuốc lá vẫn được bảo vệ "vị trí" trong nền kinh tế do những đóng góp không nhỏ của mình vào ngân sách?

  • L.Hà

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thuốc sản xuất trong nước: Cần có chính sách... cung ứng! (29/03/2004)
Y học thế giới phát triển mạnh nhờ công nghệ gien (29/03/2004)
Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến: Chưa hài lòng với hội nghị! (27/03/2004)
Chưa xác định được nguồn lây H5N1 (25/03/2004)
Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện cơ chế quản lý giá thuốc (25/03/2004)
Vẫn thiếu cán bộ chống bệnh lao (24/03/2004)
Phổi của bào thai nói với mẹ: Con muốn chào đời! (24/03/2004)
Thêm một bệnh nhân viêm phổi do virus (23/03/2004)
Bệnh lao không loại trừ một ai (23/03/2004)
Có thể xử lý điểm một số công ty tăng giá thuốc (23/03/2004)
Mô vú của người phát triển trên cơ thể chuột (23/03/2004)
Đà Nẵng: Thêm một bệnh viện lớn đi vào hoạt động (22/03/2004)
Đại dịch HIV/AIDS gia tăng với diễn biến phức tạp (22/03/2004)
Khi chính phủ Mỹ hướng dẫn chuyện... ăn cá! (21/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang