Theo các nhà khoa học Mỹ, bào thai đang phát triển có thể phát tín hiệu sẵn sàng chào đời bằng cách giải phóng một loại hoá chất do phổi tạo ra. Điều đó cho thấy ở động vật có vú, sự sẵn sàng thở bên ngoài dạ con của người mẹ có thể là nhân tố chính quyết định thời điểm chuyển dạ.
|
Bé sắp chào đời chưa nhỉ? |
TS Carole Mendelson thuộc ĐH Texas, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: ''Chúng tôi tìm thấy một protein ở bề mặt phổi của bào thai chuột với vai trò là hormone đau đẻ. Nó phát tín hiệu cho dạ con khi phổi của bào thai đủ cứng cáp để chịu đựng sự chuyển tiếp quan trọng sang giai đoạn hít thở không khí''.
Không một ai thực sự hiểu điều gì làm bà mẹ chuyển dạ bình thường hoặc chuyển dạ sớm. Có thể có nhiều tín hiệu hoá chất dẫn tới hiện tượng đau đẻ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu trên cho rằng loại protein A bề mặt này hay SP-A, cũng được tạo ra từ phổi của bào thai người, có thể là tín hiệu hormone đầu tiên của sự chuyển dạ.
Phát biểu trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia, Mendelson và đồng nghiệp cho biết protein A đóng vai trò quan trọng trong quá trình thở bình thường bên ngoài dạ con. Ở người, SP-A còn giúp các tế bào miễn dịch (đại thực bào) tấn công những kẻ xâm lược chẳng hạn như virus, vi khuẩn và nấm trong phổi. Phụ nữ sinh sớm thường bị nhiễm trùng các màng bao quanh bào thai. Số đại thực bào trong thành dạ con tăng lên vào lúc khởi đầu quá trình sinh sớm.
Do vậy, phải có mối liên hệ giữa nhiễm khuẩn và sinh non. Hiểu nhiều hơn về tiến trình này có thể giúp giới khoa học phát triển các liệu pháp ngăn chặn sinh sớm. Ở chuột, phổi của bào thai đang phát triển bắt đầu tạo SP-A khi chuột mẹ thai nghén 17 ngày và chuột con chào đời vào ngày thứ 19. Bào thai của người bắt đầu tạo ra nhiều SP-A hơn khi được 30-32 tuần tuổi trong thời kỳ thai nghén bình thường 40 tuần.
Khi phôi thai ''hít thở'' dung dịch amniotic trong dạ con, SP-A được giải phóng vào dung dịch này. Các đại thực bào do SP-A kích hoạt đi qua dung dịch amniotic tới thành dạ con. Ngay khi tới đó, chúng tạo ra một loại hoá chất kích thích phản ứng trong dạ con, cuối cùng dẫn tới sự chuyển dạ. Nhóm nghiên cứu còn phát hiện tiêm SP-A cho chuột có thai trước ngày thứ 17 làm nó sinh sớm. Khi họ ức chế SP-A, nó có tác dụng trì hoãn quá trình chuyển dạ.
|