Giới khoa học thường sử dụng chuột biến đổi gien để nghiên cứu ung thư song bệnh ở động vật này hơi khác so với người. Thành công của nhóm nghiên cứu do Robert Weinberg thuộc Viện Nghiên cứu Y Sinh Whitehead (Mỹ) phụ trách: cấy mô vú của người vào chuột để có một mô hình tốt hơn.
|
Mô nguyên bào sợi của người phát triển khoẻ mạnh trên cơ thể chuột. |
Theo Weinberg, chìa khoá là cấy hai loại tế bào vú ở người vào chuột. Những tế bào đó phát triển thành mô vú giống như ở người cùng với các tuyến sữa. Trong quá khứ, một số nhà nghiên cứu chỉ cấy một loại tế bào vú là tế bào biểu mô vào cơ thể chuột. Tế bào biểu mô lót các tuyến sữa và là nơi ung thư vú bắt đầu. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy đã thất bại do họ thiếu yếu tố thứ hai - tế bào hỗ trợ tên là nguyên bào sợi.
Nhóm của Weinberg trích mô nguyên bào sợi từ những phụ nữ đã được phẫu thuật cắt bỏ một phần vú. Họ bắn phá một nửa các nguyên bào sợi bằng tia X, rồi tiêm cả tế bào khoẻ mạnh và tế bào bị chiếu xạ vào tuyến vú của chuột, đồng thời cấy các tế bào biểu mô vú bên cạnh. Weinberg cho rằng chiếu xạ nguyên bào sợi giúp tế bào biểu mô sống sót. Ông không chắc chắn nó hoạt động như thế nào song có thể kích thích phản ứng bảo vệ tế bào biểu mô.
Các nhà nghiên cứu cho rằng ung thư vú bắt đầu khi một tế bào biểu mô bị đột biến trong ADN và bắt đầu phân chia thành một khối u. Khi nhóm nghiên cứu biến đổi nguyên bào sợi của người để chúng tạo ra một loại protein với số lượng lớn, thường thấy trong các khối u vú của người, chuột được cấy mô vú của người cũng phát triển ung thư trong tế bào biểu mô giống như người.
Kết quả trên cho thấy các tế bào biểu mô được cấy ghép chứa những đột biến. Những đột biến đó biến thành ung thư để phản ứng với các tín hiệu từ tế bào lân cận. Các nhà nghiên cứu hy vọng mô hình mới này sẽ giúp họ tìm ra những tín hiệu đó cũng như phương pháp ngăn chặn. Daniel Medina, nhà nghiên cứu ung thư vú tại ĐH Y Baylor (Texas), nhận xét: ''Đây là một bước tiến lớn''.
|