(VietNamNet) - Trong buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân ghép tạng các tỉnh phía Bắc vào sáng nay 16/3, các bệnh nhân đã có ý kiến về thuốc Neoral, một trong những thuốc chống thải ghép do Công ty Novatis sản xuất, đang được dùng cho bệnh nhân ghép thận ở Việt Nam với giá bán quá cao. Đồng thời, chế độ bảo hiểm của người bệnh cũng chưa thoả đáng.
Người bệnh ''một cổ hai tròng''
|
Bệnh nhân ghép thận đầu tiên (bên phải) vẫn sống khoẻ mạnh |
Hiện toàn miền Bắc có 127 bệnh nhân ghép thận, 100% bệnh nhân phải sử dụng thuốc chống thải ghép suốt đời. Neoral và Cellcept là những loại thuốc họ phải uống hàng ngày.
Bệnh nhân Vũ Mạnh Doanh cho biết: Trước năm 2001, thuốc Neoral hàm lượng 100mg được đưa vào Việt Nam bán với giá 2,4 triệu đồng/hộp. Nhưng từ năm 2001 đến nay, giá thuốc ''đột ngột'' tăng lên 3,12 triệu đồng/hộp. Cũng thuốc này bán tại các nước khác trong khu vực dù có tăng nhưng chỉ tăng tương đương vài trăm ngàn VNĐ. Chẳng hạn, Philippines tăng từ (tương đương) 1,8 triệu đồng lên 2 triệu đồng/hộp; Thái Lan tăng từ 1,7 triệu đồng/hộp lên 1,8 triệu đồng/hộp. Cùng một loại thuốc, tại Việt Nam giá bán cao hơn các nước khác trong khi thuế nhập khẩu thuốc này ở Việt Nam là 0%, còn ở Thái Lan là 7%!
Hơn nữa, sau khi thuốc nâng giá, bệnh viện và bảo hiểm y tế bắt người bệnh phải mua 50% thuốc còn lại tại bệnh viện với lý do để bệnh nhân mua thuốc ngoài sẽ không đảm bảo chất lượng.
Theo tính toán, việc này đã làm thiệt hại cho người bệnh 840.000 đồng/tháng và 10 triệu đồng/năm, và cho cơ quan bảo hiểm mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Nhà sản xuất nói gì?
|
GS Lê Thế Trung tại buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân ghép tạng phía Bắc. (Ảnh: Nguyễn Ngọc) |
Những thắc mắc của người bệnh đã được ông Chu Đình Tuấn, giám đốc hãng Novatis khu vực phía Bắc, trả lời: ''Công ty Novatis chỉ là nhà nghiên cứu và sản xuất, việc nhập khẩu và phân phối các loại thuốc này vào Việt Nam do Công ty Dược phẩm TW 2 và Công ty Zuellig Pharma Việt Nam đảm nhận. Việc chênh lệch giá cả giữa các nước có thể do... giá chợ trời. Chúng tôi sẽ xem lại để sớm có trả lời với người bệnh về việc này''.
Cũng về thuốc chống thải ghép, thời gian vừa qua Bảo hiểm TP Hà Nội đã nhận được đơn thư của một số bệnh nhân sử dụng thuốc Cellcept cho rằng đây cũng là thuốc chống thải ghép nhưng chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Trong khi đó, cũng loại thuốc này song bệnh nhân ở TP.HCM và Đồng Nai đã được bảo hiểm địa phương thanh toán. Trả lời những thắc mắc này, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho biết: ''Thuốc Cellcept chưa được BV đưa vào danh mục thường xuyên để cung ứng và cấp cho bệnh nhân nên chưa có cơ sở giải quyết thanh toán''. Đại diện của Bộ Y tế hứa sẽ xem xét đề nghị này của các bệnh nhân.
Phía bệnh nhân mong muốn: Trước mắt, khi chưa điều chỉnh được giá thuốc, cơ quan Bảo hiểm Y tế và BV cấp 50% số thuốc bệnh nhân được hưởng theo chế độ, 50% còn lại bệnh nhân tự mua.
Số lượng bệnh nhân ghép tạng ngày càng đông, nhu cầu sử dụng thuốc chống thải ghép cũng tăng lên. Người bệnh rất cần có những thay đổi về giá thuốc cũng như chế độ bảo hiểm!
|