Dịch sốt xuất huyết ngày càng tồi tệ ở Indonesia
17:21' 26/02/2004 (GMT+7)

Số người chết do sốt xuất huyết tại Indonesia trong 2 tháng vừa qua đã tăng lên 255 người, tính tới ngày thứ tư 25/2. Bộ Y tế nước này cho biết tổng số người mắc bệnh là 13.765 tại 22 trong số 30 tỉnh.

Nên dọn vệ sinh thường xuyên để đuổi muỗi.

Phần lớn các ca sốt xuất huyết (SXH) tập trung tại Java, hòn đảo đông dân nhất ở Indonesia. Tại Đông Java, một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất, đã có 1.907 người phải nhập viện và 57 trong số đó đã tử vong. Trong khi tại tỉnh Tây Java, số người nhiễm bệnh là 2.655 người và 51 đã tử vong. Tại thủ đô Jakarta, có tới 4.616 người được nhập viện và 49 bệnh nhân đã chết. 500 mẫu máu từ Jakarta và các tỉnh khác sẽ được xét nghiệm để tìm hiểu tại sao dịch SXH năm nay lại tồi tệ (số ca tăng gấp đôi) so với năm ngoái.

Tổng thống Indonesia Megawati Soekarnoputri rất ngạc nhiên trước dịch SXH trong năm nay và gọi đó là "khác thường". Bà đã yêu cầu Bộ Y tế nỗ lực ngăn chặn bệnh dịch lây lan hơn nữa. Nguyên nhân của dịch bệnh là do phần lớn các thành phố tại Indonesia có nhiều vũng nước tù đọng trong mùa mưa. Phó Tổng thống Hamzah Haz đã thừa nhận Chính phủ nước này "yếu kém trong việc phòng ngừa SXH".

Các chuyên gia y tế đã biết về SXH trong hơn 200 năm. SXH thường xuất hiện trong và ngay sau mùa mưa ở các khu vực nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới của châu Phi, Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, Ca-ri-bê, Trung và Nam Mỹ, Australia, Nam và Trung Thái bình dương. Theo Tổ chức Y t6é Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 100 triệu ca SXH trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong là khoảng 5%.

SXH là dạng sốt do 4 loại virus có họ gần nhau gây ra: Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Các virus này lây sang người qua vết đốt của muỗi cái Aedes. Những con muỗi này nhiễm virus khi hút máu của một người đã mắc bệnh. Virus tuần hoàn trong máu người bệnh từ 2-7 ngày, gây ra sốt. Bệnh nhân phục hồi có khả năng miễn dịch đối với loại virus đã nhiễm song chỉ được bảo vệ từng phần chống lại 3 loại virus còn lại. Trên thực tế, nhiễm virus lần thứ hai có thể tăng nguy cơ mắc SXH biến chứng.

Muỗi Aedes truyền virus SXH.

Ở trẻ em và trẻ sơ sinh, SXH thường là sốt nhẹ có phát ban. Trẻ lớn và người trưởng thành có thể có những triệu chứng cổ điển như sốt cao đột ngột, đau đầu như búa bổ, đau đằng sau mắt, đau khớp, đau cơ, phát ban, biếng ăn, nôn hoặc buồn nôn. Đau ở lưng có thể nghiêm trọng tới mức SXH được gọi là sốt gãy lưng. SXH biến chứng có đặc điểm sốt cao, chảy máu và sưng gan. Cần phải đưa bệnh nhân nhập viện khẩn cấp vì nó có thể gây tử vong.

Hiện vẫn chưa có vắc-xin ngừa SXH. Bào chế vắc-xin rất khó khăn bởi 4 loại virus đều có thể gây bệnh và việc cơ thể của con người chỉ được miễn dịch đối với 1 hoặc 2 virus SXH có thể tăng nguy cơ mắc SXH biến chứng. Việc điều trị SXH và SXH biến chứng chỉ mang tính hỗ trợ do chưa có phương pháp điều trị cụ thể.

Bác sĩ chẩn đoán một người có bị SXH hay không dựa vào dấu hiệu lâm sàng hoặc thử máu. Xét nghiệm máu sẽ cho thấy trong máu có kháng thể chống virus SXH hay không. Phương pháp phòng ngừa SXH là kiểm soát muỗi. Muỗi gây SXH chủ yếu sinh sản trong các bình chứa nước như bình đất hoặc kim loại. Việc vứt chất thải rắn đúng cách (lốp xe....) và cải thiện phương pháp chứa nước, chẳng hạn sử dụng bình có nắp đậy, sẽ hạn chế được muỗi. Cũng nên sử dụng thuốc diệt côn trùng định kỳ. Đối với những người đi tới các vùng hay có dịch SXH, nên sử dụng chất đuổi muỗi, mặc quần dài, áo dài, đi giày. Muỗi Aedes thường đốt vào ban ngày.

Minh Sơn (tổng hợp) 

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giao quyền tự chủ về tài chính cho giám đốc bệnh viện (25/02/2004)
Hoàn tất giải mã gien virus H5N1, song virus vẫn đột biến từng năm! (25/02/2004)
Bình Định: Máy sinh hoá tự động siêu chính xác phục vụ bệnh nhân phong (24/02/2004)
Bé Diệp qua cơn thải ghép gan lần hai (19/02/2004)
Mở rộng mô hình bảo trợ bệnh nhân nghèo ra các tỉnh, thành phía Nam (19/02/2004)
Phía Bắc: 11 ca viêm phổi do virus nhập viện (19/02/2004)
Phòng thí nghiệm sinh học phân tử xét nghiệm 23 ca đầu tiên (18/02/2004)
''Vẫn phải đề phòng với bệnh viêm phổi liên quan với cúm gia cầm'' (18/02/2004)
Thêm hai tỉnh có bệnh nhân viêm phổi do virus (17/02/2004)
TP.HCM: Hơn 16.000 tỷ đồng phát triển hệ thống y tế (17/02/2004)
Bé Diệp đã qua cơn thải ghép gan cấp (17/02/2004)
Việt Nam đã sản xuất được thuốc chữa bệnh tiểu đường (17/02/2004)
40% người nhiễm HIV là thanh niên, vị thành niên (17/02/2004)
Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn 26% (17/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang