Ngành ghép tạng Việt Nam ''mòn mỏi'' chờ luật
05:52' 12/02/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp lý nào cho phép lấy mô, tạng của người chết não để ghép cho người sống. Đây là nguyên nhân khiến ngành ghép tạng Việt Nam gần như không có cơ hội phát triển. Nếu được Quốc hội thông qua, Pháp lệnh hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và khám nghiệm tử thi sẽ là "chiếc phao cứu sinh" của nhiều bệnh nhân suy tạng.

Anh Nghiêm vẫn khoẻ...

4/6/1992: ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam, với sự giúp sức của các bác sĩ Cuba.

Chương trình ghép thận ở Việt Nam được tiến hành từ những năm 1970, với sự giúp đỡ của một số bác sĩ Cuba. Ca ghép thận đầu tiên diễn ra tại Viện 103 (Học viện Quân y) ngày 4/6/1992, các bác sĩ trong nước chưa hoàn toàn tự ghép mà có sự góp sức của các chuyên gia nước ngoài. Bệnh nhân được ghép là anh Vũ Mạnh Đoan, 40 tuổi, ở Quân đoàn 3, suy thận mãn tính giai đoạn cuối. Sau gần 5 năm, trường hợp đầu tiên này đã chết vì chảy máu não vào tháng 12/1996, không liên quan đến việc ghép thận.

Sau 8 ca chuyên gia ghép cùng và  bắt đầu từ ca thứ 9, Việt Nam đã tự tiến hành các ca géhp thận. Đặc biệt, từ 3 năm nay, đội ngũ bác sĩ trẻ đã tự ghép được. Ngày 20/7/1993, ca ghép thận đầu tiên do Việt Nam tự ghép là anh Lê Thanh Nghiêm, 33 tuổi, ở Tuy Hòa.  Người cho thận là chị gái Lê Thị Như. Sau khi ghép thận xong, anh Nghiêm còn có được 1 bé gái và hiện vẫn công tác tại huyện Tuy Hòa.

GS Lê Thế Trung, chủ tịch Hội đồng cỉ đạo ghép gan (Học viện Quân y) cho VietNamNet biết: ''Ca ghép thận này đã đi vào lịch sử ghép tạng của Việt Nam nói chung và ghép thận nói riêng. Từ đó đến nay, mỗi năm có khoảng 20 trường hợp được ghép thận và chúng ta đã tự ghép khoảng 120 ca. Trong đó, chỉ có 10 ca tử vong nhưng không liên quan đến thận''.

Từ một cơ sở ghép là Viện 103, đến nay Việt Nam đã phát triển ghép thận ở BV Chợ Rẫy, BV Trung ương Huế, BV Việt Đức, BV Nhân dân Gia Định và hiện BV Nhân dân 115 đang tiến hành những ca ghép thận đầu tiên

GS Lê Thế Trung cho biết thêm: ''Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến về ghép tạng nhưng muốn cứu sống được nhiều người bệnh thì cần có nhiều người cho. Nguồn thận cho người bệnh vẫn lấy chủ yếu ở những người cùng huyết thống. Hiện chúng tôi vẫn chờ nguồn thận từ những người chết não, tức phải chờ đến khi nào ở Việt Nam có Luật chết não mới có được nguồn cung cấp từ dạng này. Bộ Y tế đã duyệt dự thảo Pháp lệnh hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và khám nghiệm tử thi nhưng đến nay vẫn chờ Quốc hội thông qua''.

"Được lấy mô trên cơ thể người khi đã chết não"

Anh Lê Thanh Nghiêm, người được ghép thận đầu tiên, và vợ.

 

 

Đó là một trong những quy định của Dự thảo Pháp lệnh nêu trên. Nếu Pháp lệnh được thông qua, đó sẽ là cơ sở pháp lý cho việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học vào hoạt động ghép bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo.

Theo GS Lê Thế Trung, một ca ghép thận trong nước phải chi trung bình 50 triệu đồng, trong khi ra nước ngoài (như đến Trung Quốc) phải trả đến... 28.000 USD/ca. "Thế nhưng hàng trăm trường hợp vẫn phải ra nước ngoài để ghép thận với kinh phí cao, chỉ vì văn bản pháp lý và luật cho - nhận tạng của Việt Nam chưa ra đời.'' - GS Trung nói.

Việc lấy thận hiến từ những người thân trong gia đình chỉ đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu. Trong khi đó, hoàn toàn có thể khai thác các nguồn hiến thận khác. Theo thống kê của ngành y tế, số ca tử vong do tai nạn giao thông của nước ta hiện nay rất cao. Nếu có hành lang pháp lý, chúng ta sẽ tận dụng được tạng của những người này vào việc cứu người sống bị bệnh.

Với tính toán của các chuyên gia, phương pháp lấy nguồn tạng từ các bệnh nhân chết não sẽ có chi phí thấp hơn so với việc tiến hành mổ lấy tạng trực tiếp từ những người tự nguyện hiến, vì phương án này sẽ tối giản được công đoạn bảo đảm an toàn tính mạng sống cho cả người cho và người nhận.

  • Lệ Hà

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vì sao tốc độ ghép thận cho người bệnh còn chậm? (12/02/2004)
TP.HCM: Ô nhiễm nghiêm trọng ở nước ngầm, "nhẹ" ở nước mặt (12/02/2004)
“Vấn đề lớn nhất của ghép thận là ê-kip làm việc” (10/02/2004)
Hoàn thành tốt ca ghép thận đầu tiên (10/02/2004)
''Không phải cứ viêm phổi nhập viện là mắc cúm A chủng H5N1'' (08/02/2004)
Dù phẫu thuật thành công, em bé 2 đầu đã qua đời (08/02/2004)
TP.HCM ngày 7/2: Giảm số người nhập viện, tử vong do viêm phổi (07/02/2004)
Cắt bỏ thành công... chiếc đầu dư (07/02/2004)
Đã có kết quả xét nghiệm mẫu nước tại những nơi chôn gà dịch bừa bãi (06/02/2004)
TP.HCM: thêm một ngày yên tĩnh với virus cúm A (06/02/2004)
1,6 triệu USD cho Campuchia, Lào, Pakistan và Việt Nam (06/02/2004)
TP.HCM: Kiểm tra đột xuất việc phòng chống cúm gà ở trường bán trú (05/02/2004)
Chủ tịch nước thăm bệnh nhân ghép gan đầu tiên của VN (05/02/2004)
Hiệu quả của phác đồ điều trị cúm A và thuốc Tamiflu? (04/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang