Vì sao tốc độ ghép thận cho người bệnh còn chậm?
05:19' 12/02/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) – Đến nay,  kể từ ngày 4/6/1992, đã hơn 10 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam. Tuy vậy, số người được ghép thận vẫn chiếm một tỷ lệ rất thấp (khoảng 120 người/1.000 người có nhu cầu). Khó khăn nào làm chậm tốc độ ghép thận? Trao đổi với PGS TS BS Vũ Đình Hùng, nguyên thư ký Ủy ban Ghép tạng Việt Nam.

PGS TS BS Vũ Đình Hùng (bên trái) chụp ảnh cùng bệnh nhân Trần Văn Chung (ghép thận từ ngày 25/9/2002)

PGS TS BS Vũ Đình Hùng xác nhận: Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 1.000 người suy thận mãn tính giai đoạn cuối đang phải sống bằng chạy thận nhân tạo định kỳ tại các Trung tâm Thận nhân tạo trong cả nước. Trong đó, tại TP.HCM, ước chừng có hơn 500 người bệnh có nhu cầu ghép thận. Thế nhưng đến nay chỉ có khoảng 120 ca được ghép thận, nhiều nhất là ở BV Chợ Rẫy (80 ca), BV 103 thuộc Học Viện Quân Y (trên 20 ca), BV Trung ương Huế (7 ca), BV Nhân dân Gia Định (4 ca), BV Việt - Đức (2 ca). Mới đây, đến chiều ngày 11/2/2004, BV Nhân dân 115 vừa ghép thành công 2 ca.

Tất cả các ca ghép thận nêu trên đều thực hiện từ người cho có sức khoẻ tốt nên tốc độ phát triển không thể nhanh được. Nếu được quyền lấy thận từ người cho (chết não) thì tốc độ ghép thận nhanh gấp nhiều lần bây giờ. Hơn nữa, do liên quan đến pháp luật hiện hành nên những ca ghép thận chủ yếu tập trung ghép giữa những người có cùng huyết thống như cha mẹ, anh chị, cô dì… Pháp luật chưa quy định về việc bán thận từ người sống khỏe mạnh cho các bệnh nhân có nhu cầu.

Trên thế giới, ngành y tế được quyền lấy thận và các bộ phận khác trên cơ thể những người chết do tai nạn, đột tử… để ghép cho các bệnh nhân có nhu cầu. "Ở Việt Nam, hiện chưa có luật đó. Chính vì thế, trong lần thăm bệnh nhân ghép gan tại Học Viện Quân Y mới đây, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã khuyên người Việt Nam hiến máu và hiến tạng để cứu người bệnh nặng." - GS BS Vũ Đình Hùng nói - "Nhân đây, thông qua VietNamNet, tôi mong rằng Quốc hội nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nên sớm thông qua luật này".

Thưa giáo sư, có hay không sự khác biệt giữa việc ghép thận của người cùng huyết thống và người ngoài huyết thống?

- PGS TS BS Vũ Đình Hùng: Về cơ bản thì không khác biệt nhau lắm. Khi lấy thận của người xa lạ ghép cho bệnh nhân, sẽ sử dụng nhiều hơn loại thuốc ức chế miễn dịch, so với khi ghép thận giữa những người cùng huyết thống. Do vậy, khi ghép thận giữa những người không họ hàng, tiền thuốc tăng lên rất nhiều.

Khi cho thận giữa những người cùng huyết thống, yếu tố hòa hợp tổ chức là tương đối giống nhau. Do vậy, thuốc ức chế miễn dịch không cần nhiều. Ví dụ: ghép thận hai anh em sinh đôi cùng trứng thì không cần dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Hiện có 2 loại thuốc ức chế miễn dịch sử dụng tốt cho việc ghép thận: FK 506 (tên thương mại Prograf) và Cellcept. Nếu sử dụng hai thứ thuốc này, có thể ghép những cặp khác dòng họ.

Ở Mỹ, họ đã thành công trong việc lấy thận từ lợn, đười ươi ghép cho người nhưng đến nay, các trường hợp này chỉ sống được vài tháng.

Hiện nay, khó khăn nhất trong việc ghép thận là gì?

- Đó là thiếu người cho thận, và kinh tế của người bệnh không đủ "mạnh" để chi phí cho việc ghép thận và chi phí thuốc men sau khi ghép thận.

- Được biết, hiện nay nhiều bác sĩ Việt Nam đã có thể ghép thận từ người sống cho bệnh nhân, thế nhưng hầu hết các ca ghép thận đều có bóng dáng của các chuyên gia nước ngoài. Giáo sư có nhận xét gì về điều này?

- Hiện nay, Bộ Y tế cho quyền chủ động trong liên kết các bệnh viện, trong đó có sự hợp tác với nước ngoài. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các bệnh viện phát huy thế mạnh của mình. Chính vì vậy, các ca ghép thận của các bệnh viện trong nước thường tận dụng sự hợp tác với các nước, đồng thời mời các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ về chuyên môn và cả bổ sung một số dụng cụ cần thiết trong phẫu thuật ghép thận.

Xin cảm ơn giáo sư!

• Nam Anh (thực hiện) 

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM: Ô nhiễm nghiêm trọng ở nước ngầm, "nhẹ" ở nước mặt (12/02/2004)
“Vấn đề lớn nhất của ghép thận là ê-kip làm việc” (10/02/2004)
Hoàn thành tốt ca ghép thận đầu tiên (10/02/2004)
''Không phải cứ viêm phổi nhập viện là mắc cúm A chủng H5N1'' (08/02/2004)
Dù phẫu thuật thành công, em bé 2 đầu đã qua đời (08/02/2004)
TP.HCM ngày 7/2: Giảm số người nhập viện, tử vong do viêm phổi (07/02/2004)
Cắt bỏ thành công... chiếc đầu dư (07/02/2004)
Đã có kết quả xét nghiệm mẫu nước tại những nơi chôn gà dịch bừa bãi (06/02/2004)
TP.HCM: thêm một ngày yên tĩnh với virus cúm A (06/02/2004)
1,6 triệu USD cho Campuchia, Lào, Pakistan và Việt Nam (06/02/2004)
TP.HCM: Kiểm tra đột xuất việc phòng chống cúm gà ở trường bán trú (05/02/2004)
Chủ tịch nước thăm bệnh nhân ghép gan đầu tiên của VN (05/02/2004)
Hiệu quả của phác đồ điều trị cúm A và thuốc Tamiflu? (04/02/2004)
Gan cháu Diệp không có dấu hiệu đào thải! (03/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang