(VietNamNet) - Đó là khẳng định của GS Hoàng Thủy Long, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với phóng viên VietNamNet. Theo ông, quan trọng nhất khi tiếp nhận bệnh nhân phải phát hiện sớm, chẩn đoán nhanh, chính xác, điều trị bằng các biện pháp tổng hợp mạnh. Phân loại ngay được cúm loại gì, sau khi có kết quả xét nghiệm thì đưa bệnh nhân vào khu cách ly riêng...
Theo tin từ Bộ Y tế, đến 16g chiều nay 8/2, không có thêm trường hợp nào viêm phổi do virus phải nhập viện.
Như vậy, đến nay đã có 139 trường hợp viêm phổi do virus, trong đó 27 trường hợp tử vong và 15 trường hợp dương tính với H5N1.
Nếu theo số liệu này của Bộ Y tế, trong hai ngày qua đã không có thêm trường hợp nào viêm phổi do virus phải nhập viện. |
Hà Nội vẫn đang rét và có khả năng người dân bị cảm lạnh hay mắc cúm thông thường. Làm sao có thể... yên tâm rằng mình chỉ bị cảm lạnh hay cúm bình thường thôi, chứ không phải vướng vào cúm A, thưa giáo sư?
- GS Hoàng Thuỷ Long: Cúm do virus cúm tấn công vào đường hô hấp của người (mũi, họng và phổi). Cúm khác với cảm lạnh do thường xuất hiện đột ngột và có thể bao gồm các triệu chứng sau: sốt, đau đầu, mệt mỏi, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, đau mình mẩy. Con đường chính lây truyền virus cúm giữa người với người là thông qua các giọt hô hấp xuất tiết ra khi ho và hắt hơi.
Khi đã bị cúm, cần điều trị như thế nào?
- Tốt nhất để phòng cúm là tiêm vắc-xin bất hoạt mỗi khi đến mùa cúm. Khi biết bị nhiễm cúm nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, tránh dùng rượu và thuốc lá, uống thuốc để giảm các triệu chứng bệnh. Bệnh dịch cúm A (H5N1) có tính chất tản phát, với khoảng cách giữa các ca bệnh khá xa, chưa tìm thấy mối liên quan chặt chẽ giữa căn nguyên gây bệnh với quá trình dịch ở hầu hết các ca bệnh.
|
GS Hoàng Thuỷ Long: Lợn có thể nhiễm cả virus cúm của gia cầm và người, với các triệu chứng giống ở người như ho, sốt và chảy nước mũi. |
Giáo sư dự đoán cúm A chủng H5N1 sẽ diễn biến như thế nào ở nước ta?
- Bệnh viêm phổi cấp do H5N1 có thể diễn biến với cường độ thấp (do tính cảm nhiễm thấp của người đối với chủng này) và có thể tiếp diễn song song với dịch cúm ở gia cầm. Không loại trừ khả năng bệnh cúm A (H5N1) sẽ bùng thành dịch lớn trên người nếu xuất hiện sự tái tổ hợp kháng nguyên và gen giữa virus cúm gà H5N1 và virus cúm người H3N2, H1N1.
Hiện chưa có vắc-xin đặc trị. Bộ Y tế đã cho nhập thuốc Taminflu và phân phát đến các bệnh viện có nhiều bệnh nhân điều trị. Loại thuốc này có tác dụng như thế nào?
- Thuốc Taminflu có tác dụng hạn chế sự nhân lên, làm chậm sự phát triển của virus, có tác dụng nhất định.
Giáo sư có thể nói rõ hơn về cúm A để người dân có những hiểu biết về bệnh này và có cách phòng chống?
- Có 3 loại virus cúm: cúm A, B và C. Týp C chỉ gây bệnh hô hấp nhẹ, không phát triển thành dịch.
Týp A và B là 2 týp gây bệnh dịch cho người, song týp B không được phân týp.
Týp A được chia thành các phân týp khác nhau dựa trên protein bề mặt H và N. Virus cúm týp A được chia thành các phân týp dựa trên 2 protein trên bề mặt là H và N. Có 15 phân týp H và 9 phân týp N khác nhau, tất cả đều tìm thấy ở các loài chim hoang dã. Một số bệnh truyền nhiễm virus cúm A ở gia cầm (ví dụ các chủng H5 và H7) có thể gây bệnh dịch mở rộng và tử vong trong các loài hoang dại và đặc biệt là gà, chim nuôi.
Lợn có thể nhiễm cả virus cúm của gia cầm và người, chứ không chỉ có virus cúm lợn, với các triệu chứng giống ở người như ho, sốt và chảy nước mũi.
Ở người, có ba kháng nguyên H (H1, H2, H3 ) và hai (trong tổng số 9) kháng nguyên N (N1, N2).
|
Cơ chế lây truyền virus cúm gia cầm. |
Mặc dù Tổ chức Nông Lương thuộc Liên Hiệp Quốc (FAO) chưa chính thức khẳng định lợn ở Việt Nam cũng nhiễm H5N1 nhưng nhiều người dân tỏ ra lo ngại. Lợn có dễ nhiễm virus H5N1 không?
- Lợn mẫn cảm với nhiều loại virus cúm nên nó có thể nhiễm đồng thời từ nhiều loài vật khác nhau. Nếu điều đó xảy ra, gen của các virus này sẽ tổ hợp với nhau tạo ra một chủng virus mới.
Ví dụ: nếu một con lợn bị nhiễm cả virus cúm người và virus cúm gia cầm thì nó có thể tạo nên một virus có phần lớn gen của virus cúm người nhưng có một protein H và hoặc protein N từ virus gia cầm. Chủng mới này có thể gây nhiễm cho người và truyền từ người này sang người khác nhưng nguy hiểm nhất là nó lại có các protein H và N chưa từng có ở các chủng nhiễm bệnh cho người từ trước đến nay. Đây là một trường hợp di chuyển kháng nguyên, xảy ra khi một phân týp cúm A mới mà con người chưa có miễn dịch chống lại, nhiễm bệnh cho người.
|