TP.HCM: Kiểm tra đột xuất việc phòng chống cúm gà ở trường bán trú
16:24' 05/02/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sáng 4/2, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức kiểm tra bẩt ngờ vài trường bán trú ở TP.HCM: trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Tân Bình) và trường tiểu học Duy Tân (Tân Phú). Kết quả: 2 trường này đều thực hiện tốt chỉ thị của Sở GD-ĐT về việc phòng tránh cúm gà.  

Các trường bán trú: "tẩy chay" thịt gà, vịt 

Theo văn bản chỉ đạo mới đây của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc phòng chống dịch cúm gà lây sang người, các trường tạm thời không sử dụng các thực phẩm từ gia cầm (thịt, trứng và các chế phẩm khác từ gia cầm); tạm thời không nuôi gia cầm. Nếu nuôi, phải thông báo đến các chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để đưa đi tiêu hủy. Thực hiện tổng vệ sinh theo hướng dẫn của ngành y tế. Tuyệt đối không được cất giấu hoặc xử lý tùy tiện, gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng đến tình hình sức khỏe của học sinh, giáo viên, công nhân viên, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non. Tất cả những biểu hiện cảm, sốt, ho, viêm đường hô hấp, đau mình… đều phải được cách ly và thông báo ngay với cơ quan y tế để được điều tra dịch tễ, theo dõi điều trị, phun thuốc khử trùng khu vực có người mắc bệnh.  

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các món trứng rán, lòng gà xào quen thuộc đã bị loại khỏi thực đơn ăn hàng ngày của đa số học sinh. Nhiều trường bán trú ở  TP.HCM đã không nhập gia cầm cũng như không chăn nuôi gia cầm trong trường học. Theo bà Lê Thị Tại -trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Gò Vấp, “nếu để bùng phát dịch bệnh trong trường còn nguy hiểm gấp nhiều lần bên ngoài vì sức lây lan rất nhanh”.

 

Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet tại  một số trường  ở TP.HCM, công tác đề phòng dịch cúm gà rất cao. Bà Nguyễn Thị Kim Nhạn - hiệu trưởng trường tiểu học (TH) Huỳnh Văn Chính, Q.Tân Bình, cho biết: "Từ khi có dịch cúm gà, thực đơn ăn uống của hơn 800 học sinh bán trú không hề có gà, vịt, trứng gà, trứng vịt… kể cả sản phẩm chế biến có trứng gà như kem flan cũng không ăn. Thức ăn của các cháu đều được mua từ các nơi có nguồn gốc, như rau sạch ở Công ty XNK Việt Lâm… Nhất là kể từ khi có các công văn của UBND thành phố, Sở GD-ĐT về việc phòng tránh cúm gà, nhà trường càng quán triệt hơn vấn đề này. Nhà trường không chỉ thực hiện nghiêm túc mà còn lưu ý học sinh nói với bố mẹ không ăn thịt gà, vịt… Ngoài chuyện ăn uống, nhà trường cũng có nhắc nhở những hộ nuôi gà xung quanh. Có hộ không nghe, chúng tôi đã phải báo lên phường Hoà Thạnh và 15 phút sau có người xuống dẹp”.

 

Tại trường TH Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM), bữa trưa của gần 800 học sinh cũng không còn món bánh trứng. Bà Nguyễn Thị Thanh, hiệu trưởng trường Nguyễn Thái Học cho biết: "Do cá đồng hay có xương nhỏ, nên trường chỉ cho các em ăn các loại cá nhiều nạc, nhưng loại thực phẩm này giá quá cao. Giá thịt bò, lợn sau Tết cũng tăng vọt. Nếu tình hình này kéo dài, trường sẽ gặp khó khăn vì mức tiền ăn không thể tăng lên so với quy định đưa ra đầu năm".

 

Chim bồ câu vẫn… còn nhiều trong trường học 

Chim bồ câu ở trường THCS Lê Quý Đôn thân thiết với học sinh đến nỗi  không muốn rời xa nơi khác kiếm sống.

Tại ngôi trường nằm giữa lòng thành phố, trường THCS Lê Quý Đôn (Q. 3), hàng trăm con chim bồ câu vẫn bay lượn trong sân trường. Lý giải về điều này, ông Phạm Danh Tấn – hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn cho rằng chim bồ câu có cách đây 7-8 năm nên chúng quá quen với nơi này. Ngay sau khi có chỉ đạo của Sở về việc cấm nuôi gia cầm, trường đã tiến hành bắt nhưng không bắt được, mỗi ngày chỉ bắt được 3-4 con vì đây là “bồ câu hoang”. Mỗi lần đụng đến là chúng bay cả đàn lên cây. Trường đã thông báo cho Trung tâm Thú y Quận 3 về việc này. Giờ nhà trường chỉ còn biết nhờ đến cơ quan chức năng giải quyết. Hiện một số chuồng chim bị gẫy đã được giỡ xuống, còn lại 2 chuồng chim đã bịt kín không cho chim vào. Trung tâm Y  tế Quận 3 đã đến phun thuốc sát trùng.

 

Ông Nguyễn Văn An, có con học trong trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết: ”Mỗi lần đi đón con, nhìn thấy đàn chim bay khắp sân trường, tôi cảm thấy rất lo. Những con “bồ câu hoang” này dù có  đuổi đi cũng cứ tìm về chốn này. Nếu cứ để như vậy, sợ đến một lúc nào đó sẽ bùng phát mầm bệnh cúm gà ở đây”. 

  • Bài  và ảnh: Cam Lu                                                                               
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chủ tịch nước thăm bệnh nhân ghép gan đầu tiên của VN (05/02/2004)
Hiệu quả của phác đồ điều trị cúm A và thuốc Tamiflu? (04/02/2004)
Gan cháu Diệp không có dấu hiệu đào thải! (03/02/2004)
FAO trợ giúp tài chính cho 4 nước có dịch cúm (03/02/2004)
Tình hình sức khỏe của cháu Diệp khá tốt (02/02/2004)
Chuyện như đùa: Tài xế béo phì nguy hiểm hơn tài xế say rượu (01/02/2004)
Uống nhiều rượu, sẽ bị viêm gan C (31/01/2004)
Quảng Nam: Xuất hiện 26 ổ dịch gia súc, gia cầm (30/01/2004)
"Cố gắng ngăn chặn được dịch cúm gà trong tháng 2" (30/01/2004)
Cúm gà ngày 29/1, ở phía Nam đất nước... (30/01/2004)
Thêm 2 tỉnh có bệnh nhân nghi mắc cúm A: Sóc Trăng, Đồng Tháp (29/01/2004)
TPHCM: Ngày mai, nhiều điểm bán chim cảnh sẽ phải ngưng bán (29/01/2004)
WHO tập huấn phòng chống lây lan cúm gà (29/01/2004)
Hợp tác liên vùng chống cúm gà, ADB hỗ trợ 800.000 USD (29/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang