TP.HCM phòng chống cúm khẩn cấp, nhất là với trẻ em
19:46' 24/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Dịch cúm trên gia cầm (gà, vịt...) đã xảy ra ở một số quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, với tác nhân gây bệnh đã được xác định là virus cúm týp A H5N1. Theo kết quả xét nghiệm của Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đã có hai bệnh nhi tại BV Nhi Đồng II được chẩn đoán nhiễm virus cúm týp A H5N1. Công văn số 272 /SYT-NVY, do BS TS Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM ký vào chiều Mùng 3 Tết (23/1) đã nêu rõ như trên để yêu cầu các cơ sở y tế trực thuộc cần tiếp tục tăng cường phòng chống bệnh cúm trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh:

Khi phát hiện bệnh nhân bị sốt cao liên tục, có các dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp (ho, sổ mũi, khó thở…) - đặc biệt đối với người dân, nhất là trẻ em, sống trong các vùng có dịch gia cầm hoặc chung quanh các chợ, các khu vực có buôn bán gia cầm, hoặc có tiếp xúc với người bị cúm nặng - các cơ sở khám, chữa bệnh phải tổ chức điều trị cách ly tại chỗ và báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố để được hỗ trợ chẩn đoán và xử trí kịp thời…

Trường hợp bệnh nhân có thêm các dấu hiệu cận lâm sàng nghi ngờ nhiễm cúm nặng (X quang phổi có hình ảnh viêm phổi kẽ tiến triển nhanh, có thể lan toả nhanh cả hai bên phổi, bạch cầu giảm...), dù không có yếu tố dịch tễ liên quan đến cúm gà, cũng phải báo cáo ngay cho TTYTDP thành phố.

Đảm bảo đầy đủ các trang bị vệ sinh vô trùng và phòng hộ cá nhân cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm và Trạm y tế phường, xã - nhất là những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và cán bộ y tế dự phòng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Hỗ trợ các trang bị vệ sinh vô trùng và phòng hộ cá nhân cho Chi cục Thú y và Công ty Môi trường đô thị để trang cấp kịp thời cho cán bộ phòng chống và xử lý dịch trên gia cầm.

Các Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện phải báo cáo khẩn với UBND quận, huyện về nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm gà trong nhân dân và đề xuất UBND chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, UBND phường xã tăng cường công tác thông tin hướng dẫn người dân đề cao cảnh  giác, thực hiện tốt các yêu cầu giữ gìn sức khoẻ, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng ngừa bệnh cúm và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị kịp thờiCần lưu ý không gây hoang mang trong nhân dân.

Chủ động kết hợp với các Trạm Thú y quận, huyện xây dựng mạng lưới giám sát cộng đồng, tăng cường phát hiện các địa bàn có dịch cúm trên gia cầm, nhất là các hộ có chăn nuôi gia cầm để làm tốt công tác xử lý gia cầm bệnh, chết và thanh khử trùng môi trường. Đặc biệt, các Đội Y tế dự phòng phải quan tâm làm tốt khâu xử lý thanh khử trùng môi trường nhà ở chung quanh khu vực có dịch trên gia cầm. Tại những vùng chôn gia cầm, tổ chức cấp phát thuốc sát trùng nước cho nhân dân và vận động nhân dân thực hiện sát trùng nguồn nước giếng, nước sông rạch dùng cho ăn uống, sinh hoạt.

Các TTYT quận, huyện và TTYTDP tiếp tục thực hiện chế độ trực 24/24 giờ theo qui định trong công văn số 241/SYT-NVY ngày 15/1/2004 của Sở Y tế.

Trường hợp TTYTDP thông báo kết quả chẩn đoán từ bệnh nhân là nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm cúm gà, phải chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để được điều trị cách ly và thực hiện đầy đủ các yêu cầu thanh khử trùng môi trường

TTYTDP phối hợp với các Trung tâm Y tế quận, huyện, Chi cục Thú Y, Công ty Môi trường đô thị và các cơ sở y tế có các trường hợp bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm gà để lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện các biện pháp thanh khử trùng, theo dõi, giám sát, xét nghiệm, điều trị dự phòng theo qui định.

Riêng BV Bệnh nhiệt đới có trách nhiệm tổ chức khu điều trị cách ly tuyệt đối cho các bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định nhiễm cúm gà. Sẵn sàng hội chẩn các trường hợp bệnh khi có yêu cầu của TTYTDP hoặc TTYT quận, huyện và sẵn sàng tiếp nhận, chữa trị bện nhân nghi ngờ nhiễm cúm gà, v.v… Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính phải báo cáo khẩn cho Sở Y tế và TTYTDP để triển khai các biện pháp phòng chống dịch thích hợp.

TTYTDP phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM, BV Bệnh nhiệt đới, các TTYT và Chi cục Thú Y TP.HCM tổ chức huấn luyện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chung và các bệnh lây qua đường hô hấp cho cán bộ y tế, thú y, môi trường có tiếp xúc, thực hiện nhiệm vụ trong vùng có dịch trên gia cầm, cán bộ y tế trong các khoa nhiễm, các BV nhi, khoa nhi trong các BV đa khoa và TTYT quận, huyện…

Linh Chi

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khẩn cấp phòng chống cúm A tại TP.HCM (24/01/2004)
Cắt bỏ khối u "ký sinh trùng" khổng lồ (23/01/2004)
Đâu là chuẩn mực cho người phụ nữ hấp dẫn? (21/01/2004)
Kiên Giang: 2 trường hợp nghi mắc cúm A, sức khỏe "rất nguy kịch" (17/01/2004)
Cán bộ phụ trách y tế của Uỷ ban châu Âu thăm Việt Nam (16/01/2004)
Thêm 3 bệnh nhân nhập viện với biểu hiện viêm phổi cấp (16/01/2004)
Phòng tránh bệnh cúm A, có thể... ăn thịt gà? (16/01/2004)
Vitamin D giúp phòng bệnh viêm khớp và đa xơ cứng (15/01/2004)
Cách ly người bệnh có dấu hiệu liên quan đến cúm gà (14/01/2004)
Chuỗi MANS - hy vọng mới cho bệnh nhân hen suyễn (14/01/2004)
Thêm một trường hợp nhập viện (14/01/2004)
Thêm một trường hợp nhập viện (14/01/2004)
Bệnh nhân tử vong do "cúm Hong Kong" (14/01/2004)
Đã tìm ra virus H5N1 gây ra cúm A! (12/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang