Tìm ra một loại phân tử có khả năng làm thông khí quản của chuột bị "suyễn", các nhà sinh học thuộc ĐH North Carolina (Raleigh, Mỹ) nghĩ tới triển vọng giúp con người chữa các loại bệnh đường hô hấp hiệu quả hơn.
|
Bệnh nhân hen suyễn rất dễ bị tử vong do đờm chặn khí quản. |
Hiện nay, trên thế giới có hơn 100 triệu người mắc bệnh hen suyễn. Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy khó thở, thậm chí nghẹt thở, do khí quản bị hẹp và tiết ra rất nhiều đờm. Mỗi năm, có khoảng gần 200.000 người chết vì hen suyễn, trong đó lượng đờm quá nhiều là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong. Theo Kenneth Adler, trưởng nhóm nghiên cứu, đờm có thể huỷ hoại mặt trong của khí quản, khiến bệnh nhân hen suyễn trở nên mẫn cảm hơn trước các loài vi khuẩn và làm tăng nguy cơ suy đường hô hấp.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một phân tử có tên là chuỗi MANS, sau đó đem thử nghiệm trên những con chuột mắc các triệu chứng như ở bệnh nhân hen suyễn. Khi bị phơi nhiễm trước căn bệnh này, khí quản chuột phình lên, tiết ra lượng đờm nhiều gấp 5 lần bình thường. Tuy nhiên, nếu lũ chuột nhận được một liều MANS vào cơ thể khoảng 15 phút trước khi lên cơn hen suyễn, lượng đờm sẽ giảm hẳn.
Joe Garcia, trưởng bộ môn Thuốc cấp cứu và Bệnh phổi tại ĐH Johns Hopkins (Maryland, Mỹ), cho biết: "Chuỗi MANS có rất nhiều tiềm năng trong việc chữa trị bệnh đường hô hấp. Trước đây, bệnh nhân hen suyễn cũng đã sử dụng một số loại thuốc nhằm làm thông khí quản, nhưng chưa có loại thuốc nào giảm được lượng đờm trong cổ. Ngoài ra, MANS còn có khả năng chữa bệnh xơ nang, bệnh do hút thuốc lá, bệnh nghẽn phổi mạn tính - tất cả đều khiến cho bệnh nhân khó thở vì đờm".
Khi thử nghiệm trên chuột, chuỗi MANS tấn công các tế bào tạo đờm trên bề mặt trong của khí quản. Tuy nhiên, nó cũng có thể ảnh hưởng đến các tế bào khác, gây nên những tác dụng phụ ngoài mong muốn mà khoa học chưa xác định được hết. Bên cạnh đấy, do phân tử này chỉ ngăn không cho đờm tiết ra chứ không ngăn chặn việc tạo đờm nên đờm có thể sẽ tích tụ trong các tế bào. Khi đờm trở nên quá nhiều, chúng sẽ tràn ra, tiếp tục gây tắc nghẽn khí quản. Chính vì vậy, cần phải tiến hành nghiên cứu kỹ càng hơn trước khi bào chế chuỗi MANS thành thuốc và đem ra sử dụng đại trà.
Khánh Hà (Theo Nature)
|