(VietNamNet) - Đó là chủ đề của ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay. Ông Jordan Ryan, Điều phối viên thường trú LHQ cho biết: ''Các cấp lãnh đạo cần lên tiếng cổ vũ cho công tác chăm sóc những người nhiễm HIV/AIDS. Công việc này cần có sự tham gia của bản thân người bệnh''.
|
Không kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS. |
Một số điều tra gần đây cho thấy người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ vẫn phải chịu đựng sự kì thị và phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày. Tại nơi làm việc, trong cộng đồng và thậm chí cả ở gia đình, sự kỳ thị và phân biệt đối xử khiến cho đề tài HIV/AIDS không được trao đổi cởi mở và thẳng thắn, gây trở ngại cho công tác phòng chống và thường dẫn đến sự phủ nhận bệnh dịch và im lặng.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Tôn Thất Bách cho rằng: ''Sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS có nguồn gốc từ quan niệm coi những người mại dâm và ma tuý là tệ nạn xã hội. Chúng ta cần phải thay đổi quan niệm này thì mới giảm được sự kì thị và phân biệt đối xử''.
Nhân ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12), đoàn công tác cấp cao của Quốc hội và Chính phủ do Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến dẫn đầu đã tới thăm một số người nhiễm HIV/AIDS tại Hải Phòng, một trong những địa phương có tốc độ lây nhiễm cao nhất cả nước.
Đoàn đã đi thăm và tặng quà một số người nhiễm HIV/AIDS, trong đó nhiều người đang được điều trị tại nhà và cộng đồng, một số tham gia các câu lạc bộ giáo dục đồng đẳng như CLB Hải Âu để đưa thông tin về HIV/AIDS đến các nhóm có nguy cơ cao. Chuyến đi nhằm huy động việc hỗ trợ, chăm sóc và điều trị từ phía gia đình, cộng đồng và các cấp lãnh đạo dành cho những người nhiễm HIV/AIDS.
Theo số liệu chính thức, Hải Phòng xếp thứ 4 trong số 61 tỉnh thành của Việt Nam về số người nhiễm HIV/AIDS (5.536 người) và xếp thứ 2 về tỷ lệ lây nhiễm (356.88 lây nhiễm/100.000 dân). Đa số người HIV dương tính ở Hải Phòng (70%) là những người tiêm chích ma tuý. |
|