(VietNamNet) - Năm 1990, khi còn là bác sĩ thuộc Khoa Huyết học ở BV Chợ Rẫy TP HCM, hàng ngày chứng kiến một số ca tử vong do bị rắn cắn mà không giúp được gì, ông cảm thấy rất đau lòng. Sau hơn 14 năm miệt mài nghiên cứu một loại huyết thanh kháng nọc, BS TS Trịnh Xuân Kiếm đã thành công: tìm ra được loại huyết thanh đặc hiệu có thể kháng được nọc rắn hổ đất và rắn choàm quạp, những loài rắn rất độc ở xứ nhiệt đới.
|
Rắn hổ đất. |
Huyết thanh kháng nọc rắn ở Việt Nam lúc đó hầu như rất hiếm, đa phần phải nhập ngoại với giá thành rất đắt nhưng chưa hẳn đã có thể cứu sống bệnh nhân, do đặc điểm sinh thái của rắn mỗi nơi một khác. Những người bị rắn cắn hầu hết là nông dân làm ruộng, công nhân trồng và khai thác cây cao su, người đi rừng… Họ chủ yếu là lao động chính trong gia đình. Cái chết của họ sẽ kéo theo rất nhiều thảm kịch. Vậy mà ước tính tại Việt Nam mỗi năm có tới trên 50.000 người bị rắn cắn.
Hơn 100 năm trước, từ năm 1892, BS Albert Calmette là người đầu tiên trên thế giới đã phát minh ra huyết thanh kháng nọc rắn (HTKNR) tại Viện Pasteur Sài Gòn. Đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có Viện Nghiên cứu chế tạo HTKNR. Phụ lục 1, số 463, 1971 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định: “HTKNR là phương thức điều trị bệnh nhân rắn cắn hiệu quả nhất và phổ biến khắp toàn cầu từ nhiều năm nay”.
Cùng với kỹ thuật ELISA xác định nọc rắn, kết hợp với phương pháp hồi sức nội ngoại khoa, HTKNR đã trở thành thuốc đặc trị lý tưởng. Huyết thanh có khả năng trung hoà triệt để nọc rắn trong vòng 6-12 giờ, giúp nạn nhân hồi phục hoàn toàn.
Thuật ngữ HTKN "đặc hiệu" ngụ ý rằng HTKN được tạo ra để chống lại nọc độc của con rắn đã cắn bệnh nhân (HTKN này có chứa kháng thể đặc hiệu, chỉ trung hòa loại nọc rắn đó mà thôi). Loại HTKN đơn đặc hiệu chỉ trung hòa một loại nọc rắn tương ứng. Loại HTKN đa giá có thể trung hòa được nọc một vài loại rắn khác nhau, thường là vài loài nọc rắn quan trọng nhất của một vùng địa lý riêng biệt. |
|
Một công nhân cao su Đồng Nai bị rắn cắn. (Sau 24g tiêm huyết thanh kháng nọc, vết thương đã ngưng chảy máu.)
|
Vốn là một BS có tiếng, có phòng mạch riêng được nhiều người biết đến ở Q.5 TP.HCM song BS Kiếm đã "rẽ ngang", chuyển sang làm công tác nghiên cứu là do chứng kiến lượng bệnh nhân bị rắn cắn chết ngày càng nhiều. Những năm đó, mùi xác chết của bệnh nhân bị rắn cắn, sự cầu cứu bác sĩ một cách tuyệt vọng của những người sống đã làm ông mất ăn mất ngủ. Ông quyết định chuyển sang làm cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tại trường ĐH Y Dược TP HCM để có thì giờ nhiều hơn cho đề tài theo đuổi của mình.
Cùng với các BS ở BV Chợ Rẫy như Trịnh Kim Ảnh, Lê Khắc Quyến, Nguyễn Bá Phước và Phan Minh Hùng, BS Kiếm đã hình thành nên một nhóm nghiên cứu về huyết thanh kháng nọc rắn. Với kinh phí... tự túc, nhóm đã chọn đối tượng nghiên cứu là hai loại rắn độc nguy hiểm và phổ biến nhất tại phía Nam lúc bấy giờ: rắn choàm quạp, và rắn hổ đất.
Trên thế giới, huyết thanh kháng nọc rắn đã có từ lâu, việc chữa rắn cắn ở trong nước cũng không phải là mới. Tuy nhiên, do trước đó chưa hề có một nghiên cứu nào toàn diện và đầy đủ về rắn và huyết thanh kháng nọc đặc hiệu cho từng loại nên việc bắt tay vào nghiên cứu không hề đơn giản. Nhóm lên rừng, xuống ruộng để khảo sát, sưu tầm… rắn độc. Có lần do sơ suất trong việc lấy độc, BS Kiếm bị một chú rắn choàm quạp quay đầu và… đớp thẳng vào tay một phát. (Ngày nay, ông chìa tay cho tôi xem một vết sẹo nhỏ sau nhiều năm vẫn còn và cười bảo: “Nhờ đó mà tôi có thể... thử nghiệm thuốc của mình tốt đến đâu!")
Một năm sau, huyết thanh kháng nọc đã được xác định và kiểm tra chất lượng tại BV Chợ Rẫy. Cùng lúc đó, Lê Quang T., 16 tuổi, một nạn nhân bị rắn cắn ở Đồng Nai đã được chuyển về bệnh viện trong tình trạng nguy ngập. Trong giờ phút hiểm nguy, nghe tin bệnh viện có loại huyết thanh kháng nọc rắn, gia đình T. đã tha thiết xin được điều trị. Các BS đồng ý cho thử loại huyết thanh kháng nọc nói trên. 2 giờ sau khi tiêm huyết thanh vào thẳng tĩnh mạch cho bệnh nhân, T. đã được cứu sống.
Ba năm sau đó, đề tài đã được Bộ Y tế cấp kinh phí và trực tiếp quản lý. Năm 1997, những lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và choàm quạp đã được nghiệm thu giai đoạn phòng thí nghiệm với những kết quả rất khả quan. Đến ngày 14/11/1998, Bộ Y tế bắt đầu cho phép thử lâm sàng đối với loại huyết thanh này.
Tháng 7/2003, nhóm nghiên cứu đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế về quy trình công nghệ huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và rắn choàm quạp.
|
TS BS Trịnh Xuân Kiếm (ở giữa) trao đổi kinh nghiệm với các BS ở các quận huyện TP.HCM trong buổi tập huấn chữa trị rắn cắn. |
Huyết thanh kháng nọc của Việt Nam sản xuất có giá thành khoảng 25 USD/lọ, trong khi giá một liều huyết thanh mua của nước ngoài có giá khoảng 200-250 USD/lọ. Nhờ đó, mỗi năm trên 5 vạn người bị rắn cắn ở Việt Nam có thể tiết kiệm hơn 11,2 triệu USD vì không phải sử dụng huyết thanh kháng nọc của nước ngoài, đồng thời tính mạng lại được an toàn hơn do sử dụng huyết thanh "đặc hiệu", thích ứng với rắn độc bản địa.
Hiện nay, Trung tâm Chống độc quốc gia đã có kế hoạch đưa hai loại huyết thanh này vào sản xuất thương phẩm. TS Kiếm cho biết: Trung tâm đang cố gắng sản xuất huyết thanh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho những nạn nhân bị rắn độc cắn với giá thành rẻ, để các cơ sở y tế tại vùng sâu vùng xa vẫn có thể có thuốc...
Nam Giao
|