Cải thiện sức khỏe ở văn phòng: Mười lời khuyên
Tám giờ ngồi trước máy tính và suốt năm ngày mỗi tuần ở văn phòng? Mười lời khuyên của các chuyên gia, để giúp bạn tránh mỏi mắt, đau cổ, hay... tránh nạp thêm lượng calo đầy mời mọc:
1. Tránh tăng trọng do... ăn vặt:
Nếu bạn không cẩn thận thì những món ăn vặt mà đồng nghiệp bày lên bàn như mời gọi sẽ khiến bạn nạp thêm vài trăm calo vào chế độ ăn hàng ngày của mình; còn nếu bạn không kiềm chế được từ ngày này qua ngày khác thì cuối cùng họ sẽ "tặng" cho bạn thêm vài kg trọng lượng cơ thể!
Dawn Jackson, một nhà tiết chế và phát ngôn viên của Hiệp hội Tiết chế Hoa Kỳ, khuyên: "Nếu không thấy thì không nghĩ đến. Nếu bạn biết ai đó có một đĩa kẹo trên bàn, hãy đi vòng quanh bàn làm việc của người ấy rồi bạn sẽ biết mình có bị cám dỗ hay không?", và "Bạn hãy giải lao một lát, hít thở không khí trong lành, và tránh ăn kẹo. Còn nếu bạn đang đói bụng, hãy để trái cây như sơ-ri hoặc nho… trên bàn làm việc của mình”. Cũng theo Jackson, tại hầu hết các công sở có nhiều người đang cố làm giảm cân, thế thì bạn hãy tham gia với họ và "hãy ăn trái cây thay vì ăn kẹo”.
2. Hãy uống đủ nước:
Uống tám - mười ly nước mỗi ngày sẽ giúp bạn nạp đủ nước cho cơ thể. Nhiều thực phẩm là nguồn cung cấp nước dồi dào, như các loại trái cây như cam, quýt, chanh, nho, dưa hấu, và táo có thể giúp bạn khỏe mạnh và cung cấp đủ nước. Tại nơi làm việc, nhiều người cảm thấy có một “khoảng thời gian yên tĩnh” lúc 15 giờ chiều thì đó là do cơ thể thiếu nước. Vì thế, bạn nên uống nhiều nước bằng cách mang theo bình nửa lít để đựng nước khi đi làm, và nhớ uống hết bình đó trước giờ ăn trưa.
3. Hãy tập thể dục:
Đi bộ trong giờ ăn trưa là cách rất hay. Nó không những đốt cháy calo mà còn giúp giảm stress, và giúp bạn khỏe khoắn trở lại. Bạn nên tìm một người thích đi bộ để cùng đi với bạn mỗi ngày. Tốt nhất là hãy tìm một người mà cứ tới giờ là anh ta/chị ta kéo bạn đi ra ngoài dạo một tí, cho dù bạn có kêu ca là đang bận việc thế nào đi nữa. Nếu bạn không thể đi ra ngoài trong giờ ăn trưa, hãy để xe ở một nơi xa hơn bình thường để bạn có cơ hội đi bộ một tí vào buổi sáng, trưa, chiều; hoặc bạn cố gắng leo cầu thang thì tốt hơn là đi thang máy.
4. Chú ý lượng thức ăn:
Ăn một bữa trưa lành mạnh là một phần quan trọng trong chế độ ăn cân đối của bạn. Nhưng ăn một lượng vừa phải thì quan trọng cho sức khỏe của bạn hơn. Lúc ăn trưa ở công sở, bạn nên tập ăn vừa phải, vì bạn lại tiếp tục ngồi trong văn phòng vào buổi chiều nữa. Nhiều khi, không phải vì thực phẩm xấu mà là vì bạn ăn quá nhiều đó thôi.
5. Tránh căng đau vai:
Hội chứng đau cổ có thể xảy ra khi cổ và vai của bạn bị giữ quá lâu ở một tư thế cố định. Đau vai và cổ thường xảy ra ở những người thường dùng điện thoại suốt cả ngày hoặc đánh máy quá nhiều. Bạn cần phải đảm bảo là không để cổ nghiêng một bên quá lâu. Nếu phải dùng điện thoại nhiều, bạn nên dùng ống nói, nói qua speaker của điện thoại hoặc dùng cái giá đỡ cổ.
6. Tránh mỏi mắt khi dùng máy tính:
Máy tính có thể gây nhức đầu, khó tập trung, và tăng nhạy cảm với ánh sáng. Để phòng ngừa mỏi mắt, bạn nên cố gắng giữ khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính bằng chiều dài một cánh tay của bạn. Ở khoảng cách này, bạn có thể đọc được chữ trên màn hình thoải mái mà không cần phải nheo mắt. Còn nếu bạn vẫn không đọc được ở khoảng cách này thì hãy tăng cỡ chữ lên.
7. Hãy tận dụng thời gian nghỉ phép:
Thật bổ ích nếu bạn có được một kỳ nghỉ vài ngày để giúp bạn lấy lại sức lực hay “nạp pin lại” cho cơ thể sau một thời gian làm việc cật lực. Những kỳ nghỉ đó sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và tách bạn khỏi môi trường công việc, và rất cần thiết nhất là khi bạn có xung đột với sếp, với đồng nghiệp, hoặc với công việc dự án. Căng thẳng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn và làm gia tăng nguy cơ bệnh tật. Vì thế, việc giảm thiểu căng thẳng là rất cần thiết, và phương thuốc hiệu nghiệm là những kỳ nghỉ của bạn.
8. Tránh kiệt sức do làm việc kéo dài trong nhiều ngày liền:
Đôi khi, người ta tập trung vào công việc theo kế hoạch và cố gắng thực hiện cho đến khi hoàn thành mới thôi. Họ không để ý nó ảnh hưởng thế nào lên sức khỏe của mình. Căng thẳng ngày càng tăng lên và sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ cũng như tính tình của họ. Tình trạng này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của con người cũng như ảnh hưởng lên giấc ngủ và khả năng tập trung khi làm việc.
9. Làm vệ sinh bàn phím, chuột và máy điện thoại:
Thường xuyên vệ sinh bàn phím... |
Những nơi đó có thể chứa hàng ngàn mầm bệnh, chờ đến khi thuận lợi thì lập tức gây bệnh cho bạn. Tại hội nghị tổng kết lần thứ 100 của Hội Vi Sinh học Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều virus có thể sống sót từ nhiều giờ đến nhiều ngày trên bề mặt cứng. Nếu một con virus, ví dụ như Rotavirus (gây tiêu chảy) sống trên bề mặt của ống nghe điện thoại, khi số lượng đủ gây nhiễm trùng, chúng sẽ lây lan rất nhanh cho những người dùng chung điện thoại đó.
Để lau chùi sạch sẽ các vật dụng này, Liên đoàn Người tiêu dùng Hoa Kỳ khuyến cáo nên sử dụng chất tẩy rửa sát trùng hoặc thuốc xịt đã đăng ký chất lượng và đã được xác nhận là có hiệu quả chống nhiều loại virus.
10. Hãy bắt đầu tự nhận thức:
Hãy hiểu biết bản thân bạn, biết khả năng có hạn của mình, và hãy làm việc hết sức mình trong giới hạn đó mà thôi!
Hãy biết khi nào cần giải lao, biết khi nào cần phải xin nghỉ phép.
Tập thể dục nhiều sẽ giúp bạn khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần ở nhà và cả nơi công sở.
BS Lê Ngọc Mỹ (theo WebMD)