Khi đau họng, người ta thường nghĩ đến các loại kháng sinh. Trong khi đó, bạn hoàn toàn có thể trị căn bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp này bằng nhiều bài thuốc cổ truyền rất đơn giản với cây, lá sẵn có trong vườn nhà.
|
Rau diếp cá - một vị thuốc trị viêm họng sẵn có trong vườn nhà. |
Viêm họng thường do vi khuẩn liên cầu, tụ cầu hoặc virus... sống lưu trú ở họng gây ra. Hoặc do vi khuẩn trong không khí, gặp lúc cơ thể nhiễm lạnh gây nên.
Khởi đầu bệnh nhân thấy người mệt mỏi, khó chịu, gai rét, sợ gió, đau họng khi nuốt. Sau đó là sốt, có thể sốt cao 39-40oC (hay gặp ở trẻ em), ho khan hoặc có đờm, sờ có hạch góc hàm. Khám họng thấy niêm mạc họng viêm đỏ, 2 hốc amidan xung huyết mạnh, có thể có các chấm mủ và chất cặn bã dính vào.
Bệnh diễn biến lành tính, thường kéo dài từ 2-5 ngày. Nhưng cần ngoáy họng để tìm vi khuẩn liên cầu (là vi khuẩn gây nên bệnh thấp tim).
Các bài thuốc chữa viêm họng
- Bài 1: Rễ cây chanh yên 10g, cây nhài quạt (sao qua) 15g. 2 vị đem nấu lấy nước uống. - Bài 2: Bột tràm 2g, bột thạch cao 6g, tinh dầu bạc hà 20%. Ba thứ trên đem trộn đều, cho vào lọ kín. Khi dùng, lấy tăm bông chấm thuốc bôi vào họng. - Bài 3: Xạ can 20g, húng chanh 20g. Sắc uống ngày 2-3 lần hoặc nấu thành dạng cao lỏng, ngày uống 30ml. - Bài 4: Bách bộ 10g, mạch môn 12g, vỏ rễ dâu 10g, vỏ quýt 5g, xạ can 5g, cam thảo dây 5g. Sắc uống ngày 1 thang. - Bài 5: Rau diếp cá tươi: 1 nắm, rửa sạch giã nát, hòa 1 bát nước vo gạo mới, đun sôi kỹ, cho thêm ít đường, uống ngày 2-3 lần. - Bài 6: Kim ngân hoa 20g, mạch môn 20g. Sắc uống ngày 2 lần.
Phòng bệnh
- Giữ ấm cổ khi trời lạnh. Không uống nước lạnh, nước đá. - Tránh tiếp xúc với bụi bặm, hóa chất. Nếu công việc bắt buộc, phải đeo khẩu trang. - Không ăn các thứ cay, nóng. - Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày như: súc miệng bằng nước muối.
BS. Thùy Hương, Sức khoẻ & Đời sống |