Vai trò của canxi và sắt trong thai kỳ
18:23' 16/09/2003 (GMT+7)

Khi cơ thể người phụ nữ không cung cấp đủ, thai tăng trưởng sẽ sử dụng canxi trong xương và sắt trong máu của mẹ. Trong khi người mẹ cũng cần sắt và canxi để đủ sức vượt cạn và chăm sóc con sau đẻ. Cần lưu ý bổ sung hai loại muối khoáng quan trọng này cho thai phụ suốt thai kỳ, bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng tốt.

 

Phụ nữ có thai cần nhiều canxi hơn bình thường

Một thai phụ cần 1.200mg canxi mỗi ngày, thai phụ còn trẻ cần nhiều hơn. Việc dùng đủ canxi trong suốt thai kỳ giúp tạo thành và phát triển bộ xương thai nhi và đảm bảo sự toàn vẹn bộ xương bà mẹ. Trong cơ thể 99% lượng canxi nằm trong xương, 1% còn lại trong các dịch và các tế bào của cơ thể.

Vì xương là mô, nên hàng ngày canxi đến lắng đọng và thoát khỏi bộ xương nên rất cần bổ sung canxi. Việc tích lũy canxi đều đặn là rất cần thiết, nó vừa thay thế cho phần canxi mất đi, vừa tạo nguồn dự trữ canxi khi mà các thực phẩm cung cấp không đủ canxi.

Trong trường hợp không cung cấp đủ canxi hoặc do cơ thể không hấp thu đủ canxi (có lẽ do thiếu vitamin D), lượng canxi bị rút ra từ xương sẽ nhiều hơn, dần dần làm tiêu xương, xốp xương và dễ gãy. Canxi còn có vai trò giúp cho sự co cơ, nhịp đập của tim, sự đông máu và giúp hệ thần kinh gửi đi các thông tin.

Nếu khẩu phần hàng ngày không cung cấp đủ canxi, cơ thể thai phụ sẽ lấy canxi từ xương mình.

Canxi có ở đâu?

Canxi có nhiều trong sữa, lá rau xanh đậm, tôm đồng, cá ăn cả xương. Hàm lượng canxi (tính theo mg trong 100g thực phẩm ăn được) trong rau giền cơm: 341, cần ta: 310, rau đay: 182, rau ngót: 169, rau muống: 100, sữa bột tách béo: 1.400, tôm đồng: 1.120, pho-mát: 760, lòng đỏ trứng vịt: 146, cua bể: 141.

Tuy nhiên một số rau có chứa oxylat và các loại hạt ngũ cốc chứa phytat, cả 2 chất này gắn kết với canxi và sắt làm hạn chế một phần sự hấp thu của hai muối khoáng này.

Thai phụ cần tăng cường sắt để nuôi thai nhi

Trong thai kỳ thể tích máu của người mẹ tăng 50%. Sắt cần thiết để tạo hemoglobin mà hemoglobin là một thành phần quan trọng của máu. Hemoglobin mang oxy đến khắp cơ thể người mẹ và thai nhi.

Sắt có mặt ở hầu hết trong các loại thực phẩm. Hàm lượng sắt (tính theo mg/100g ăn được): trong gan lợn là 12mg, tim lợn: 5,9, cua đồng: 4,7, tôm khô: 4,6, cua bể: 3,8, mề gà: 6,6, bầu dục lợn: 8,0, cùi dừa già: 30,0, đậu tương: 11,0, vừng: 10,0, rau đay: 7,7, đậu đũa (hạt): 6,5, rau giền trắng 6,1, măng khô: 5,0.

Không phải lúc nào sắt cũng được hấp thu tốt do đó khó có thể cung cấp đủ nhu cầu sắt cho cơ thể trong thai kỳ. Vì vậy trong chương trình thai sản, người thầy thuốc thường cho thuốc bổ chứa sắt kết hợp với chế độ ăn giàu chất sắt cho các thai phụ.

Ðể thuốc chứa sắt hấp thu được tối ưu, nên uống lúc đói hoặc với nước trái cây thay vì uống trong bữa ăn (những thực phẩm chứa nhiều vitamin C giúp hấp thu chất sắt); không uống cùng với trà, cà phê sẽ giảm hấp thu sắt.

Sắt còn giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm khuẩn vì sắt cũng là một thành phần của một enzym trong hệ miễn dịch, sắt giúp biến đổi beta caroten thành vitamin A, giúp tạo ra colagen (chất này gắn kết các mô cơ thể lại với nhau).

Trong thai kỳ nhu cầu sắt tăng nhằm hỗ trợ cho sự gia tăng thể tích máu trong khi mang thai.

BS. Phạm Thị Thục, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vì sao chân tay nổi nhiều gân xanh? (16/09/2003)
Cẩn thận với thực phẩm gây ung thư (16/09/2003)
10 câu hỏi về các vùng nhạy cảm của cơ thể (16/09/2003)
Phòng hoại tử cho người nằm bất động lâu ngày (15/09/2003)
Bố bị tiểu đường sinh con có bị tiểu đường? (12/09/2003)
Bệnh sốt xuất huyết và biến chứng chảy máu trong nhãn cầu (12/09/2003)
Sơ cứu ngộ độc (11/09/2003)
Có thể cầm máu cho trẻ bằng đốt điện (11/09/2003)
Bệnh bạch tạng và bạch biến có giống nhau? (10/09/2003)
10 cách chống stress khi mang thai (10/09/2003)
Lưu ý khi bị suy tĩnh mạch (08/09/2003)
Ngăn ngừa và trị viêm lợi (08/09/2003)
Xử trí chấn thương sọ não trẻ em (08/09/2003)
Bệnh tâm thần có di truyền không? (08/09/2003)
Một số bài thuốc chữa rong huyết (08/09/2003)
Tro ve dau trang