Hỏi: Con trai tôi 8 tuổi, bị chảy máu cam khi ngủ. Xin hỏi tại sao lại thế và nếu tái phát tôi phải làm gì? Tôi có người bạn bị chảy máu cam nhiều, phải đốt điện để cầm máu; có thể áp dụng cách điều trị này cho con tôi được không?
Trả lời: Hiện tượng chảy máu mũi do nhiều nguyên nhân. Ở người lớn thường do u mạch, rối loạn đông máu, u nhú, pôlip, u ác tính mũi xoang, cơn cao huyết áp, nhiễm trùng mũi xoang.
Còn ở trẻ em, hiện tượng chảy máu mũi thường xảy ra ở lứa tuổi từ 5-10 tuổi và thường do ngoáy mũi, nhét vật lạ vào mũi, pôlip, bệnh nhiễm trùng, sốt xuất huyết, chấn thương. Đây là các bệnh lý thường gặp ở trẻ và không phải là dấu hiệu của một bệnh trầm trọng như ở người lớn.
Màng lưới vi mạch ở vách mũi rất phong phú và mỏng manh. Các tĩnh mạch nhỏ ở đây có thể giãn và vỡ gây chảy máu. Khi trẻ bị chảy máu mũi, phải tiến hành cầm máu bằng cách đặt trẻ ngồi thẳng trên ghế, đầu hơi chồm tới trước và bóp mạnh cánh mũi trong ít nhất 15 phút, để trẻ thở bằng mạnh. Nếu máu chảy trở lại thì làm tiếp lần thứ 2. Khi máu đã cầm, dặn trẻ không khịt mũi ít nhất 3 giờ sau.
Cũng có thể đặt gelaspon (miếng bọt xốp celatin có hình dạng như đầu mẩu thuốc lá, được bán tại các hiệu thuốc) vào hốc mũi để cầm máu. Nếu máu không cầm, phải đưa bệnh nhân đi khám để bác sĩ có cách xử trí kịp thời.
Bác sĩ có thể gạc vào hốc mũi hoặc dùng dụng cụ đốt điện để cầm máu cho trẻ. Việc đốt điện cầm máu không phụ thuốc vào tuổi của bệnh nhân.
BS. Lê Quang Hồng, Khoa học & Đời sống
|