Ngăn ngừa và trị viêm lợi
14:26' 08/09/2003 (GMT+7)

Theo điều tra mới đây của Mỹ, 60% trong số 1.000 người tham gia phỏng vấn hiểu biết rất ít về bệnh viêm lợi, triệu chứng, các liệu pháp chữa trị và quan trọng hơn cả là hậu quả của bệnh này; 39% không đi khám nha sĩ thường xuyên. Vì vậy mà có đến 75% dân số Mỹ ở độ tuổi trên 35 mắc bệnh viêm lợi ở nhiều cấp độ. Giai đoạn đầu, lợi trồi ra và dễ chảy máu, có thể gây hôi miệng thường xuyên và làm rụng răng.

 
Muốn có hơi thở thơm tho và hàm răng chắc khoẻ, phải biết cách chăm sóc lợi.

Thế nào là bệnh viêm lợi?

Theo nghĩa rộng, viêm lợi là do vi khuẩn phát triển, phá hủy dần các mô bao bọc bảo vệ răng. Bệnh viêm lợi xuất phát từ những chất đóng bám trên răng (người ta thường gọi là bựa), cả những chất bạn không thể nhìn bằng mắt thường. Bựa răng khi tích tụ nhiều, trong 24 giờ sẽ cứng lại tạo thành một chất gọi là cao răng. Cao răng bám chặt quanh răng đến nỗi chỉ có thể cạy chúng ra bằng các thiết bị làm sạch chuyên nghiệp.

Bệnh viêm lợi được chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu, lợi có thể bị đỏ, sưng phồng lên và rất dễ chảy máu, nhất là khi đánh răng. Lợi  chảy máu tuy không phải lúc nào cũng là triệu chứng của bệnh viêm lợi cấp 1 nhưng đây là một dấu hiệu chứng tỏ miệng của bạn không còn khỏe mạnh bình thường, cần được chú ý chăm sóc.

Trong giai đoạn này, lợi có thể bị sưng tấy nhưng răng vẫn bám chắc trong lỗ chân răng. Không có các tổn thương về xương hoặc mô nào khác. Bệnh viêm lợi giai đoạn 1 có thể chữa được nếu người mắc bệnh có các biện pháp khắc phục đúng cách, trong đó bao gồm việc đánh răng và xỉa răng hàng ngày bằng chỉ nha khoa.

Khi đã bị viêm lợi cấp 1 mà không để ý chữa trị, bệnh sẽ tiến triển lên giai đoạn 2. Vào thời điểm này, lớp lợi bên trong và xương hàm bị đẩy lùi ra phía sau, tạo thành những lỗ hổng quanh răng. Những khoảng trống nhỏ giữa răng và lợi là nơi tích tụ các mảnh vụn thức ăn bị giắt vào và có thể gây ra nhiễm trùng.

Khi bựa răng tích tụ ngày càng nhiều dưới vòm lợi, hệ thống miễn dịch của cơ thể lại càng phải gắng sức chiến đấu chống lại vi khuẩn. Và như thế, các độc tố kháng vi khuẩn và các chất enzyme trong cơ thể được sản sinh ra sẽ dần phá hủy hàm và các mô liên kết (những mô này có tác dụng định vị, giữ cho răng chắc).

Bệnh càng trầm trọng, những lỗ hổng này càng sâu; lợi và xương hàm bị phá hủy càng nặng. Đến lúc này thì răng không còn chỗ bám nữa, sẽ trở nên lỏng lẻo và cuối cùng rụng ra.

Dấu hiệu và triệu chứng

Bệnh viêm lợi giai đoạn 2 có thể tiến triển mà không gây đau đớn. Người mắc bệnh khó có thể thấy được những biểu hiện rõ ràng, thậm chí ngay ở thời kỳ cuối của bệnh. Một vài biểu hiện cho thấy bạn đang bị mắc bệnh viêm lợi là:

- Lợi chảy máu trong và sau khi đánh răng.
- Lợi đỏ, bị sưng tấy hoặc khi chạm vào dễ gây đau đớn.
- Hơi thở hôi liên tục hoặc vị giác kém khi ăn.
- Lợi tụt lùi vào trong.
- Giữa răng và lợi xuất hiện những khe hổng, sâu.
- Răng bị lỏng, lung lay khỏi lợi.
- Khi nhai có cảm giác răng không khớp vào nhau hoặc khớp với xương hàm như trước.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, kể cả khi không thấy bất cứ một triệu chứng nào, bạn vẫn có thể bị viêm lợi ở một mức độ nào đó. Một vài người chỉ bị viêm lợi xung quanh vài cái răng nhất định, thường là những răng ở sâu bên trong mà họ không thấy được. Chỉ có nha sĩ hoặc các bác sĩ chuyên điều trị viêm lợi (periodontist) mới phát hiện và đánh giá được bạn có bị viêm lợi không, nếu có thì ở cấp độ nào.

Điều trị

Mục tiêu điều trị bệnh viêm lợi là kiểm soát viêm nhiễm và ngăn ngừa, hạn chế sự tiến triển của bệnh. Các liệu pháp điều trị bao gồm:

- Chăm sóc răng miệng tại nhà bằng cách ăn uống đủ chất và đánh răng, xỉa răng bằng chỉ đúng cách.
- Các biện pháp điều trị mà không cần phẫu thuật nhằm hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn gây hại.
- Trong trường hợp bệnh nặng, phẫu thuật để phục hồi các mô lợi bao quanh răng.

Mặc dù đánh răng và xỉa răng đều quan trọng như nhau, nhưng đánh răng chỉ chải sạch các chất bựa răng bám trên bề mặt những chiếc răng mà bàn chải với tới được. Còn xỉa răng có thể lấy đi những bựa và cao răng nằm ở khe giữa các răng và sâu dưới lợi. Cả hai biện pháp này là cách tự bảo vệ răng tại nhà tốt nhất, nên tiến hành đều đặn hàng ngày.

Nhiều nhà sĩ khuyên chúng ta nên sử dụng loại bàn chải được thiết kế đặc biệt có thể chuyển động dễ dàng với đầu bàn chải nhỏ để chải sâu vào những khe kẽ mà bàn chải thường không với tới được.

Ngoài ra, bạn nên đến nha sĩ lấy cao răng 6 tháng một lần. Khi đó các bác sĩ sẽ dùng thiết bị chuyên nghiệp để lấy các chất bựa răng và cao răng bám ở tất cả các răng. Nếu bạn có dấu hiệu bị viêm lợi cấp 1, nha sĩ sẽ khuyên bạn đi lấy cao răng thường xuyên hơn và giới thiệu cho bạn các loại thuốc đánh răng  hoặc nước súc miệng đặc biệt chống viêm lợi.

Thuốc nào cho lợi
?

Trên thị trường hiện thuốc đánh răng Colgate Total, đã được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm của Mỹ (FDA) duyệt là loại thuốc đánh răng duy nhất có tác dụng ngăn ngừa hữu hiệu bệnh viêm lợi. Thuốc này chứa flouride và cả triclosan, một loại chất kháng vi trùng loại nhẹ, có khả năng làm giảm cao răng nếu sử dụng thường xuyên.

Ngoài ra, các loại nước súc miệng có chứa chlorhexidin cũng có tác dụng như trên, nhưng chỉ nên sử dụng khi có đơn thuốc của bác sĩ.

Trường hợp bạn đã mắc bệnh viêm lợi cấp độ khá nặng, lợi bị đẩy ra xa răng, thì phải đến nha sĩ để được chữa trị tận gốc bằng một biện pháp gọi là SRP (scaling and root planing - làm sạch cao răng và chân răng). Với cách này, nha sĩ không chỉ lấy đi toàn bộ cao răng bám dính trên hai hàm lợi mà còn mài nhẵn các mấu ráp, sần trên chân răng (nơi tập trung nhiều vi khuẩn) để  bề mặt chân răng nhẵn và sạch sẽ, giúp lợi dễ bám trở lại răng.

Hiện nay, còn có một loại thuốc mới gọi là Peiostat (chứa doxycycline hyclate) được sử dụng kết hợp với liệu pháp SRP. Nếu như SRP có tác dụng chủ yếu ngăn chặn vi khuẩn thì Periostat (được sử dụng dưới dạng uống) lại triệt phá hoạt động của collagenase, một loại enzyme gây ra sự phá hủy răng và lợi.

Chữa bằng kháng sinh

Khi bị viêm lợi có thể uống kháng sinh, hoặc kết hợp dùng kháng sinh với phẫu thuật và các biện pháp khác để tiêu diệt vi khuẩn gây viêm lợi. Thế nhưng quá lạm dụng kháng sinh lại làm tăng kháng thể của những vi khuẩn này với thuốc.

Nguyên nhân là do mỗi lần chúng ta uống penicillin hoặc bất cứ một loại kháng sinh nào khác, thuốc sẽ giết chết gần hết các vi khuẩn, nhưng có một số vi khuẩn vẫn cố gắng sống sót thông qua việc tự biến đổi gen, hoặc cơ thể sản sinh ra những gen có khả năng kháng thuốc mới. Những gen này nhanh chóng được nhân lên, giúp cho vi khuẩn trở nên nhờn thuốc.

Vì thế mà y học hiện nay phải liên tục nghiên cứu tìm ra những phương thuốc mới chống lại xu hướng biến đổi không ngừng của các loại vi khuẩn. Ví dụ như ba loại thuốc kháng sinh mới là Atridox (doxycycline), PerioChip (chlorhexidine) và Arestin (minocycline) là những kháng sinh hiện nay có thể sử dụng để chữa trị viêm lợi.

Các biện pháp thông dụng khác

- Nạo các mô lợi bị nhiễm bệnh khỏi các lỗ chân răng, giúp cho khu vực lợi bị viêm có thể lành trở lại.
- Phẫu thuật: lấy cao răng và khâu lợi để kéo lợi sít lại bao vừa quanh răng. Biện  pháp này để giảm thiểu những khe, lỗ trống mà vi khuẩn có thể xâm nhập.
- Cấy ghép xương cho những phần xương hàm bị phá hủy vì viêm lợi. Xương dùng để cấy ghép có thể là những phần xương của chính bệnh nhân, có thể là xương nhân tạo hoặc xương lấy từ người khác.
- Cấy các mô lợi để gia cố cho những phần lợi đã bị mòn đi, hoặc lấp vào các khoảng trống khi lợi bị đẩy dịch ra phía sau. Các mô dùng để cấy có thể lấy từ vòm miệng.
- Uống thuốc dạng viên nén có tác dụng diệt vi khuẩn gây viêm lợi hoặc phá hủy sự liên kết giữa răng và xương hàm.

Trong nhiều trường hợp, nha sĩ sẽ kê đơn với một loại nước súc miệng đặc biệt chống vi khuẩn có chứa chất hóa học chlorhexidine.

(Quỳnh Anh - Theo Askdoctorsears.com)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xử trí chấn thương sọ não trẻ em (08/09/2003)
Bệnh tâm thần có di truyền không? (08/09/2003)
Một số bài thuốc chữa rong huyết (08/09/2003)
Những dấu hiệu viêm xoang thường bị bỏ quên (06/09/2003)
Để công việc không gây stress (08/09/2003)
Có thể chữa khản tiếng vì liệt dây thanh đới? (04/09/2003)
Chữa tắc tia sữa, mất sữa bằng y học cổ truyền (04/09/2003)
Thai phụ có được ăn chay? (08/09/2003)
Tự theo dõi và bảo vệ khi có thai (03/09/2003)
Thử nghiệm thuốc chữa cận thị (03/09/2003)
Dùng thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai (02/09/2003)
Để trẻ nhỏ thoát nguy cơ béo phì (08/09/2003)
10 bí quyết giúp con bắt đầu năm học mới không stress (08/09/2003)
Điều trị bệnh nhược cơ (01/09/2003)
U sụn (01/09/2003)
Tro ve dau trang