Hỏi: Em vừa được biết hai anh trai chồng sắp cưới của em đều bị bệnh tâm thần rồi chết ở độ tuổi 30. Xin cho biết bệnh này có di truyền không, người yêu em (năm nay 28 tuổi) phải làm gì để tránh hậu quả xấu?
Trả lời: Trước hết, bạn cần phân biệt rối loạn tâm thần do tổn thương thực thể của não và bệnh tâm thần (tâm thần phân liệt).
Rối loạn tâm thần do tổn thương thực thể của não như: do chấn thương sọ não, u não, nhiễm khuẩn, đột quỵ não, chấn thương tâm lý, do liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, do thời kỳ sinh đẻ và các chất tác động tâm thần... Nếu được điều trị nguyên nhân thì các rối loạn tâm thần trên cũng dần ổn định.
Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng và phổ biến, căn nguyên chưa rõ. Bệnh có tính chất tiến triển với những rối loạn đặc trưng về tư duy, tri giác và cảm xúc dẫn đến những rối loạn cơ bản về nhân cách theo kiểu phân liệt, làm mất tính hài hoà thống nhất giữa các quá trình tâm lý, gây chia cắt rời rạc các hoạt động tâm thần.
Hiện chưa đủ các bằng chứng để khẳng định các yếu tố di truyền quyết định sự phát sinh bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên qua nhiều công trình nghiên cứu của các nhà tâm thần học, thì bệnh tâm thần phân liệt là tác động tương hỗ giữa các yếu tố môi trường và yếu tố gia đình. Các yếu tố môi trường không thuận lợi sẽ thúc đẩy các yếu tố di truyền tiềm ẩn làm cho bệnh bùng phát.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu bố hoặc mẹ bị tâm thần phân liệt thì 16,4% con cái của họ mắc bệnh này; nếu cả bố và mẹ đều bị tâm thần phân liệt thì 68,1% con cái bị bệnh; các anh, các chị, em ruột của bệnh nhân tâm thần phân liệt có nguy cơ mắc bệnh là 14,3%.
Để tránh căn bệnh này, bạn của em nên hạn chế những tác động xấu của môi trường như không uống rượu, bia, chè, cà phê, thuốc lá, nhiễm khuẩn, sang chấn sọ não và đặc biệt là chấn thương tâm lý trong cuộc sống.
TS. Nguyễn Minh Hiện, Khoa học & Đời sống
|