Trong xã hội hiện đại, không chỉ người lớn mà nhiều trẻ em, thậm chí cả trẻ còn bú cũng mắc chứng bệnh này. Đừng vội mừng nếu con bạn có trọng lượng vượt xa mức bình thường của một đứa trẻ cùng lứa; tâm sinh lý của cháu có vấn đề vì sự khác biệt này đấy. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giảm bớt nguy cơ thành bé bự cho con bạn, dù cháu có béo vì ăn uống hay không.
|
Trẻ em béo phì bị ảnh hưởng cả tâm, sinh lý. |
Tại sao trẻ bị béo phì?
Do di truyền:
Liệu có phải bố mẹ béo thường sinh ra con cũng béo không? Theo thống kê, điều này đúng. Các ông bố bà mẹ với trọng lượng vừa phải chỉ có 7% xác suất có con béo phì. Nếu một trong hai bố mẹ béo thì xác suất này là 40%. Còn nếu cả hai bố mẹ đều béo thì khả năng con cái họ sinh ra cũng bị béo lên tới 80%.
Các nhà khoa học cho rằng gen là nhân tố mang tính quyết định đến khả năng bị béo phì. Tuy nhiên, cũng chớ nên đổ tất cả tại bố mẹ. Chế độ dinh dưỡng và lối sống- những thứ thuộc tầm kiểm soát của của con người cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Trẻ béo phì khi lớn lên có còn béo phì nữa?
Có thể có, mà cũng có thể không. Một nghiên cứu cho kết quả cứ 10 đứa trẻ bị béo phì thì 9 cháu trở lại trạng thái thon thả khi chúng lên 7 tuổi. Tuy nhiên, trẻ béo phì từ khi mới đẻ có khả năng bị béo khi lên 7 tuổi cao gấp 3 lần những trẻ khác.
Các nghiên cứu cũng chứng minh rằng 40% trẻ 7 tuổi bị béo phì khi lớn lên vẫn tiếp tục béo, 70% thiếu niên béo phì khi trở thành người lớn vẫn béo phì, và khoảng 80% thanh niên nếu đã béo phì không thể giảm béo khi đến độ trưởng thành.
Có phải ăn quá nhiều gây ra béo phì?
Hầu hết các trường hợp cho thấy trẻ béo phì không ăn nhiều hơn một đứa trẻ bình thường, thậm chí một vài trường hợp còn ăn ít hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nằm ở chỗ mặc dù trẻ béo phì không ăn nhiều thức ăn, nhưng lượng calo chúng nạp vào cơ thể lại lớn hơn lượng calo bị tiêu thụ trong khi hoạt động.
Cũng có thể những đứa trẻ béo có khả năng chuyển hóa và tiêu thụ năng lượng kém hơn những đứa trẻ thường. Trung bình, một đứa trẻ béo phì hấp thụ đến 40% calo năng lượng từ chất béo, trong khi tỷ lệ cần thiết chỉ là 20 – 25%.
Đường cũng có thể gây béo:
Hormon Insulin không chỉ giúp chuyển hóa đường mà còn cả chất béo. Insulin cũng giúp cơ thể dự trữ đường dư thừa dưới dạng mỡ. Chất insulin tăng đột ngột khi tỷ lệ đường trong máu quá lớn, góp phần vào việc tăng chất béo trong cơ thể. Vì vậy, 5 bữa ăn nhẹ trong ngày sẽ giúp trẻ có một cơ thể mảnh mai hơn là 3 bữa ăn đầy tú ụ.
Cơ chế kháng Insulin:
Khi đường vào trong máu, tuyến tụy sẽ tiết ra một lượng insulin đủ để chuyển hóa đường vào các tế bào cơ và các cơ quan khác, nơi cần có đường để sản sinh năng lượng. Nếu có quá nhiều đường vào máu, tuyến tụy sẽ tiết ra nhiều insulin, nhiều đến mức các tế bào sẽ kháng lại insulin. Thế là trong cơ thể sẽ có một lượng ínulin thừa. Insulin thừa này sẽ làm tích thêm mỡ.
Cơ chế kháng insulin giải thích vì sao một số trẻ bị béo ngay cả khi chúng không nạp nhiều năng lượng vào cơ thể.
Bị béo do nội tiết?
Rất nhiều phụ huynh mắc bệnh béo phì nghĩ rằng con họ bị béo là do tác động của tuyến giáp. Thông thường các rối loạn nội tiết nếu đã làm cho trẻ béo thì cũng làm cho trẻ thấp lùn. Nhưng trẻ béo phì, đặc biệt những trường hợp béo phì do ăn quá nhiều, lại thường cao hơn hoặc cao bằng những đứa trẻ cùng lứa tuổi.
Như vậy nội tiết không phải là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh béo phì ở trẻ.
Khả năng tiêu thụ năng lượng kém:
Có hai loại mỡ trong cơ thể: mỡ trắng và mỡ vàng. Mỡ trắng chiếm tỷ lệ 90% lượng mỡ trong người và nằm dưới da. Mỡ vàng (10% còn lại) nằm sâu hơn, xung quanh gáy, vùng nách, trong lồng ngực và bả vai. Mỡ vàng 'đốt' năng lượng, còn mỡ trắng trữ năng lượng.
Ở một số trẻ béo phì, người ta nhận thấy lượng mỡ vàng ít hơn bình thường, hoặc mỡ vàng của chúng không hoàn thành tốt chức năng tiêu thụ năng lượng. Vì thế những trẻ này tích năng lượng nhiều hơn là tiêu năng lượng.
Hậu quả của bệnh béo phì
- Tăng các bệnh về tim mạch: Cơ thể dư thừa mỡ làm tăng mỡ trong máu: cholesterol, LDL (loại cholesterol gây hại), và tổng lượng triglyceride đều tăng, trong khi HDL (loại cholesterol tốt) lại giảm. Lượng mỡ máu này làm suy yếu hệ thống tim mạch, đồng thời sẽ làm tăng huyết áp.
- Dễ gây ra bệnh đái đường: Mỡ dư thừa làm giảm chức năng của insulin. Kết quả là tuyến tuỵ phải sản xuất nhiều insulin hơn nên bị suy yếu, gây ra bệnh đái đường.
- Dễ gặp phải các vấn đề về tâm lý, tình cảm: Bị béo phì có tác động rõ rệt đến sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ và lứa tuổi thiếu niên bởi xã hội hay có cách nhìn thiên lệch đối với người béo, đặc biệt là phụ nữ. Thực tế là trẻ bị béo phì thường kém tự tin, rút về sống nội tâm, tách biệt. Mặt khác, trẻ béo phì không giỏi thể thao nên các hoạt động của chúng thường là ngồi tĩnh tại một chỗ, điều này càng khiến cơ thể trẻ dễ tăng cân hơn.
Quan trọng hơn nữa, béo phì không chỉ là vấn đề về thể chất mà còn ảnh hưởng lớn đến trí tuệ của trẻ.
- Dễ mắc chứng khó ngủ vì khó thở: Một nghiên cứu cho thấy 30% bệnh nhân mắc bệnh béo phì gặp phải chứng khó ngủ vì khó thở, do đó mất ngủ buổi đêm và hiệu quả làm việc ngày hôm sau sẽ bị ảnh hưởng.
- Dễ gặp các vấn đề về xương: Cơ thể nặng nề đè lên xương hông và khớp gối làm cho chân trở thành cong, vòng kiềng, thậm chí xương đùi có thể còn chệch khỏi xương hông. Do đó người mắc bệnh béo phì rất hay bị thấp khớp.
- Dễ bị nhiễm khuẩn: Trẻ béo phì có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh tật nhiều gấp 2 lần những đứa trẻ khác, đồng thời khả năng kháng bệnh của bạch cầu trong cơ thể những đứa trẻ này cũng giảm đi một nửa.
- Dễ mắc các bệnh khác: Nguy cơ mắc các bệnh như đau đầu, bệnh thận, ung thư trực tràng... tăng gấp đôi nếu trẻ bị béo phì.
7 cách ngừa bệnh béo phì cho trẻ
3 năm đầu tiên là khoảng thời gian 'nền tảng' để trí tuệ và tâm lý trẻ nhỏ phát triển. Đây cũng là những năm quan trọng để hình thành thói quen ăn uống của các cháu. Trong thời gian này, trẻ cần được học cách ăn uống đủ nhưng nhận thức được nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể mình. Nếu trẻ từ nhỏ đã được nuôi dưỡng với chế độ ăn vừa phải, đúng mức, thì lớn lên sẽ khó béo phì.
Sau đây là 7 cách cơ bản các bậc cha mẹ nên tham khảo:
Nuôi trẻ bằng sữa mẹ:
Nuôi trẻ bằng sữa mẹ là biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu chứng béo phì sau này cho các cháu. Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ sẽ được bú sữa theo nhu cầu cần thiết của cơ thể. Người mẹ cũng không bị rơi vào cái bẫy đáng ngại là phải tính toán lượng sữa mà con mình dùng. Bạn không lo phải ép con dùng cố cho hết ít sữa còn lại trong chai như khi nuôi bằng sữa bột.
Hơn nữa, không như lượng chất béo đã được định trước ở sữa bột, lượng béo trong sữa mẹ thay đổi mỗi lần cho bú; tuần này khác tuần kia, dù suốt thời gian cho bú, sữa mẹ vẫn cung cấp đủ nhu cầu của trẻ (không dư, không thiếu). Mặt khác, chất béo của sữa mẹ được hấp thụ hoàn toàn và hữu dụng, bởi trong sữa mẹ có một enzim lipase có tác dụng tiêu hóa chất béo.
Không nên cho trẻ ăn bột quá sớm:
Trẻ bắt đầu ăn bột càng chậm thì nguy cơ mắc bệnh béo phì càng giảm. Khi mới cho trẻ ăn bột, hãy bắt đầu bằng các thực phẩm chứa hàm lượng chất bổ nhiều nhất (nhưng lại sản sinh ít calo năng lượng nhất) như rau. Rau thì tốt hơn hoa quả có hàm lượng đường cao và ngũ cốc.
Bắt đúng tín hiệu khi trẻ khóc:
Không phải lúc nào trẻ khóc cũng là do đói mà có thể do khát, do thể trạng không khỏe, cảm thấy cô đơn hoặc chỉ đơn giản là muốn được bế. Đặc biệt nếu bạn nuôi trẻ bằng sữa bột, nhiều lúc phải dỗ dành trẻ bằng cách bế hoặc chơi với chúng chứ không nên lúc nào cũng ấn bình sữa vào cho trẻ bú.
Trường hợp làm như trên vẫn không ăn thua, hãy thử cho trẻ uống một chút nước hoặc cho ngậm ti giả vì có thể trẻ đang khát hay muốn được bú.
Không cho trẻ uống quá nhiều nước ép trái cây:
Nước ép trái cây không phải loại thực phẩm có hàm lượng chất bổ cao. Loại nước ép đóng trong hộp giấy chứa lượng calo tương đương lượng calo trong sữa tươi hay sữa bột, nhưng lại không có nhiều chất dinh dưỡng bằng và dễ gây đầy bụng. Uống nhiều nước ép hoa quả là một trong những nguyên nhân gây béo phì ở trẻ. Vì vậy, khi cho trẻ uống loại nước này nên pha loãng bằng nước trắng với tỉ lệ 1:1.
Luyện cho trẻ thói quen năng hoạt động:
Hầu hết trẻ con khi thức đều hoạt động chân tay liên tục nhưng một số trẻ lại hứng thú với các vật gây kích thích thị giác, vì thế chúng ưa nằm một chỗ hơn là ngọ nguậy và trườn bò. Để tránh cho trẻ lười vận động, hãy chơi cùng bé, bật một vài điệu nhạc lên và dạy bé nhún nhảy...
Cho ăn phù hợp với dạ dày của trẻ:
Dạ dày trẻ con có kích cỡ chừng một nắm tay của trẻ, vì vậy nếu cho trẻ ăn thường xuyên, mỗi lần một ít một là đúng cách nhất. Để hiểu rõ hơn điều này, bạn hãy so sánh một bình sữa đầy với nắm tay của trẻ, khi đó bạn sẽ không ép trẻ phải tu hết cả một bình sữa.
Đối với trẻ chập chững biết đi:
Nhiều cha mẹ than phiền rằng con mình đến độ tuổi này rất khảnh ăn. Đó là vì cơ thể của trẻ chỉ có nhu cầu như vậy. Trong năm đầu tiên, trẻ ăn rất nhiều vì chúng lớn rất nhanh, cân nặng tăng gấp ba so với khi mới sinh. Nhưng từ lúc tròn một tuổi đến khi lên hai, cân nặng của trẻ chỉ tăng khoảng gấp rưỡi. Ở nhiều trẻ, tốc độ tăng chiều cao lại nhanh hơn tốc độ tăng cân, do đó chúng tiêu thụ nhiều chất béo dư thừa và bớt bụ bẫm. Một khi đã hiểu được tiến trình phát triển bình thường này, bạn sẽ không phải lo lắng gì về thái độ ăn uống của trẻ nữa.
(Quỳnh Anh - Theo Askdoctorsears.com)
|