Do không có triệu chứng gì, những khối u thường gặp ở bàn tay, bàn chân này chỉ được phát hiện khi người bệnh tình cờ chụp phim sau một chấn thương, thể hiện bằng một đoạn gãy. Trường hợp thấy đau mà không nhìn thấy gãy trên phim X-quang, cần nghi ngờ có một u ác tính.
|
Bàn chân là nơi dễ xuất hiện u sụn nhất. |
U sụn thường thấy ở đốt ngón tay 38%, ngón chân 7%, xương bàn tay 13%. Ngoài ra, u sụn có thể thấy ở xương ức 1%, xương bả vai 1%, xương chậu 3%... Thường gặp nhất, u sụn phát triển trong khoang tủy gọi là u nội sụn (enchondrome).
U sụn gặp cả ở nam và nữ, lứa tuổi gặp nhiều nhất từ 20 đến 40.
Biểu hiện lâm sàng
Theo các kết quả nghiên cứu, 2/3 số trường hợp u sụn đơn độc ở đầu chi có biểu hiện đau do gãy bệnh lý, số còn lại không có triệu chứng gì. Trong trường hợp đau xuất hiện mà không nhìn thấy gãy trên phim X quang có thể gợi ý về một u ác tính.
Hình ảnh X-quang thường quy chỉ ra một vùng trong suốt thường ở trung tâm, đồng nhất, hoặc lấm tấm của những mờ nhỏ, có đường viền rõ nét, hình ovan hoặc nhiều hình tròn, vỏ mỏng.
Ðiều trị
Với u sụn của bàn tay và bàn chân, bác sĩ thường chỉ định ngoại khoa (mổ) khi u sụn gây đau hoặc gây gãy hoặc cản trở chức năng. Sau điều trị hiếm khi bệnh bị tái phát.
Với u sụn ở xương dài hoặc xương dẹt, chỉ định ngoại khoa bằng cắt bỏ một khối hoặc nạo và ghép xương xốp, lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm mô bệnh học. Bệnh cũng có thể tái phát.
BS. Mai Thị Minh Tâm, Sức khoẻ & Đời sống
|