Hỏi: Gần đây, bìu của cháu xuất hiện một vết chàm nhỏ màu đỏ, ngứa, lúc đầu nhỏ sau lan dần ra. Theo lời kinh nghiệm của người nhà (từng bị ghẻ chàm hoá), cháu bôi thuốc DEP thì thấy vùng tổn thương đỏ ửng và đau rát; da sau đó khô lại và bong ra. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán bị chàm bìu, bôi thuốc theo đơn thì hết, ngừng một thời gian lại ngứa. Tổn thương của cháu hiện nặng lên rất nhiều, xin chỉ cho cháu cách điều trị.
Trả lời: Tổn thương ở vùng sinh dục như mô tả có lẽ là biểu hiện của bệnh chàm mạn tính; xuất hiện ở vùng sinh dục nên còn gọi là chàm sinh dục. Người bị bệnh này thường có cơ địa dị ứng.
Lúc đầu, người bệnh có thể bị ghẻ, nhiễm trùng hoặc xây xát ở vùng sinh dục, sau đó do không điều trị triệt để nên bệnh tiến triển thành chàm. Tổn thương do chàm là đám da đỏ có bong vảy nhẹ, đôi khi có thêm mụn nước, thường rất ngứa. bệnh hay tái phát nhiều đợt, giữa các đợt là khoảng thời gian ổn định của bệnh mà nhiều khi không có triệu chứng gì khiến người bệnh tưởng là đã khỏi. Sau một thời gian điều trị, tổn thương sẽ khô đi và có thể khỏi, nhưng có thể tái phát bất kỳ lúc nào.
Lúc đầu tổn thương chỉ có thể khu trú ở vùng bìu, nhưng nếu bệnh nhân cứ chà xát, cạo, gãi nhiều thì tổn thương có thể lan rộng ra toàn bộ vùng bẹn, mông, lên cả phía lưng hoặc xuống đùi.
Bệnh chỉ có biến chứng tại chỗ như da dày lên, cộm như da trâu, đôi khi loét hoặc có mủ ở tổn thương da do bệnh nhân gãi hoặc chà xát nhiều.
Khi tổn thương mạn tính thì không nên bôi DEP vì thuốc này gây kích ứng nhiều mà da vùng bìu lại mỏng nên bạn sẽ bị đau, rát. Lúc này bạn chỉ có thể bôi các chế phẩm chứa steroid có hoạt phổ nhẹ và vừa, phù hợp với vùng da sinh dục như Eumovate, Synalar, Fucicort, Elomet... Tuyệt đối không được cạo, chà xát mạnh vào tổn thương, chỉ nên rửa nhẹ nhàng ngày 1 lần.
Bạn phải dùng một đợt kháng sinh (như Ampicillin hoặc Ethromycin...) và các thuốc kháng histamin (như Phenecgan hoặc Loratadin...) để giảm ngứa. trong trường hợp bệnh tiến triển mạn tính kéo dài nhiều năm thì có thể tiêm một đợt thuốc giảm mẫn cảm như Histaglobin, nhưng phải có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
TS. Ban Mai, Khoa học & Đời sống
|