Khi bị đau lưng nhiều lúc cử động, sinh hoạt, người ta thường tưởng bị thoái hoá xương. Nhưng ngoài triệu chứng này, còn thấy các biểu hiện ho dài ngày, sốt âm ỉ, sút cân. Lúc này, theo các thầy thuốc chuyên khoa, cần nghĩ đến một loại lao ngoài phổi để kịp thời điều trị, tránh nguy cơ tàn phế.
|
Khi thấy đau lưng kèm các triệu chứng lao, cần nghĩ đến lao cột sống. |
Lao cột sống là một trong những bệnh lao ngoài phổi tương đối hiếm gặp, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể để lại những di chứng nặng nề, gây tàn phế hoặc ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày.
Ðiều trị lao cột sống bao gồm 2 phần: Ðiều trị bệnh lao và xử trí các vấn đề liên quan đến cột sống.
Ðiều trị bệnh lao
Ðiều trị lao cột sống cũng sử dụng các thuốc kháng lao theo phác đồ giống như các phác đồ điều trị lao phổi. Trong quá trình điều trị lao, cũng cần tuân thủ đúng các nguyên tắc khi điều trị bệnh lao như dùng thuốc phải đúng - đủ - đều, không được tự ý ngưng thuốc hoặc giảm liều. Luôn luôn phải có sự phối hợp ít nhất 2-3 loại thuốc lao và phải có sự theo dõi thường xuyên của y bác sĩ để có thể phát hiện kịp thời các tác dụng không mong muốn của thuốc kháng lao.
Xử trí các vấn đề liên quan đến cột sống
Bên cạnh việc điều trị lao, cần xử trí các vấn đề liên quan đến cột sống như:
- Nếu người bệnh đau nhức nhiều ở cột sống, nên hạn chế các hoạt động thể lực nặng, tránh khuân vác vật nặng, tránh các động tác thể dục thể thao có tác động đến cột sống, nghỉ ngơi thường xuyên và có thể dùng thêm thuốc giảm đau.
- Nếu bị gù vẹo cột sống nhưng chưa bị yếu liệt chi, người bệnh có thể được dùng các loại máng bột, nẹp bột để cố định, giúp làm vững cột sống trong khi chờ đợi tổn thương lao ở cột sống lành lại.
- Khi có yếu chi hoặc liệt chi, bí tiểu... sau khi bắt đầu dùng thuốc lao một thời gian ngắn, người bệnh nên đến khám tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình để được phẫu thuật giải áp tủy sống, nhờ đó có thể giúp phục hồi các trạng thái liệt.
- Trong khi chờ đợi các biện pháp điều trị triệt để, cần chú ý chăm sóc bệnh nhân bị liệt hết sức cẩn thận, giữ vệ sinh tốt chỗ tiêu tiểu để tránh nhiễm trùng, xoay trở thường xuyên để tránh bị loét do nằm lâu (sẽ làm việc điều trị thêm phức tạp). Ngoài ra, cũng cần nắn bóp, tập co duỗi thụ động chi bị liệt, tránh để chân co quắp và tránh cứng khớp do bất động lâu ngày, gây khó khăn rất nhiều cho việc phục hồi hoạt động, đi lại sau này.
- Nếu có khối áp-xe cạnh cột sống rò ra da, song song với việc điều trị lao, cần đến các cơ quan y tế để mở rộng lỗ rò và dẫn lưu mủ nhằm giúp vết rò có thể lành tốt và tránh sẹo xấu.
Phòng ngừa
- Vì lao cột sống luôn là thể lao thứ phát nên việc phòng ngừa cũng tương tự như việc phòng ngừa bệnh lao nói chung. Nên thực hiện kiểm tra sức khỏe thường xuyên, nhất là khi ho kéo dài, sốt âm ỉ, sụt cân, đau lưng... để có thể phát hiện và điều trị bệnh sớm.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh lao: Nếu trong nhà có người bị bệnh lao, cần phải cách ly tốt, nhất là với trẻ em. Bệnh lao là bệnh lây nhiễm trực tiếp qua đường hô hấp nên phải rất cẩn thận khi tiếp xúc, ho, khạc... Người mắc bệnh lao cũng nên có ý thức hạn chế sự lây lan của bệnh, không ho và khạc đàm bừa bãi, không ho trực tiếp vào người đối diện, tránh tiếp xúc, hôn hít trẻ nhỏ cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
BS. Ðỗ Thị Tường Oanh, Sức khoẻ & Đời sống