Trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn có nguy hiểm?
10:53' 04/08/2003 (GMT+7)

Chỉ vài giờ sau khi lọt lòng, trẻ đã bị viêm phổi, nhưng không sốt mà đôi khi còn bị hạ thân nhiệt. Đây chỉ là một trong nhiều bệnh cảnh phức tạp, ít có các triệu chứng đặc biệt, dễ diễn biến nặng và gây tử vong cho trẻ sơ sinh cần được chú ý phát hiện sớm.

Trẻ sơ sinh nhiễm khuẩn thường mắc một trong ba bệnh nhiễm khuẩn nặng là viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Khi đó trẻ thường có một trong các triệu chứng sau:

- Ngủ li bì, khó đánh thức.
- Cử động ít hơn bình thường.
- Bú kém hoặc bỏ bú.
- Nôn trớ ra tất cả mọi thứ.
- Co giật.
- Sốt hoặc hạ nhiệt độ.
- Tím tái, nổi vân tím ngoài da hoặc da xanh tái, có nốt xuất huyết hoặc ban ngoài da, phù cứng bì, vàng da.
- Thở nhanh hoặc thở không đều.
- Cơn ngừng thở.
- Co rút lồng ngực nặng.
- Thở rên.
- Chướng bụng.
- Gan lách to.
- Rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, toan chuyển hóa.
- Chảy mủ tai.
- Ðau khi sờ nắn các khớp hoặc sưng khớp hoặc giảm vận động chi.
- Nhiều mụn mủ ngoài da hoặc mụn mủ ngoài da nặng.
- Tấy đỏ xung quanh rốn hoặc chảy mủ rốn.
- Thóp phồng.
- Cổ cứng.

Nguyên nhân

Trẻ sơ sinh thường bị nhiễm khuẩn trong các trường hợp sau:

- Khi chuyển dạ đẻ, nếu bị vỡ ối sớm thì vi khuẩn từ đường sinh dục của mẹ có thể xâm nhập dịch ối gây viêm màng ối và nhiễm khuẩn ối hoặc nhiễm khuẩn trực tiếp tới thai nhi.
- Trong một số trường hợp đẻ khó, có thể có phân su hoặc chất gây trong dịch ối làm giảm khả năng kìm hãm vi khuẩn của dịch ối. Thai nhi hoặc trẻ sơ sinh hít phải dịch ối bị nhiễm khuẩn có thể gây ra các bệnh ở đường hô hấp.
- Tổn thương bề mặt da, niêm mạc mũi, họng, miệng, kết mạc, rốn nếu tiếp xúc với các tạp khuẩn gây bệnh ở âm đạo mẹ khi sinh qua đường âm đạo.
- Mẹ bị các bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn, hoặc virut, listeria và nấm candida. Các tác nhân gây bệnh này có thể truyền qua rau thai hoặc qua đường máu từ khi mẹ mang thai hoặc trong cuộc đẻ.
- Các thủ thuật điều trị như đặt ống nội khí quản, đặt catheter tĩnh mạch rốn...

Điều trị bằng kháng sinh

Khi trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn, nhất thiết phải dùng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh cũng được dùng để dự phòng nhiễm khuẩn cho các trẻ có nguy cơ nhiễm khuẩn ngay sau đẻ.

Khi có một trong các biểu hiện sau, phải dùng thuốc kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn:

- Mẹ vỡ ối sớm trước 24 giờ.
- Mẹ bị sốt, hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới, viêm âm đạo, nước ối bẩn hoặc có mùi khó chịu.
- Trẻ sơ sinh bị suy hô hấp chưa rõ nguyên nhân.
- Các phẫu thuật hoặc thủ thuật có nguy cơ gây nhiễm khuẩn bệnh viện trong giai đoạn sơ sinh.

Dùng kháng sinh nào cho trẻ sơ sinh?

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, khi không có kết quả xét nghiệm vi khuẩn gây bệnh, nên sử dụng ampicilin hoặc benzylpenicillin kết hợp với gentamicin. Trong những trường hợp đặc biệt, có thể thay thế bằng cefotaxime, ceftazidime hoặc ticarcillin.

Nếu có xét nghiệm vi khuẩn và kháng sinh đồ, cần dựa vào kết quả vi khuẩn gây bệnh và độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh để chọn kháng sinh thích hợp.

Ðiều trị hỗ trợ

Ngoài thuốc kháng sinh, các biện pháp điều trị hỗ trợ khác cũng hết sức quan trọng. Đó là:

- Thở oxy (khi trẻ bị tím tái, hoặc thở rên, khó bú do suy hô hấp, co rút lồng ngực nặng, đầu gật gù theo nhịp thở).
- Hạ sốt (nếu trẻ sốt).
- Tiêm bắp vitamin K 1mg cho tất cả các trẻ dưới 2 tuần tuổi.
- Theo dõi đường huyết để điều trị nếu trẻ bị hạ đường huyết.

TS. Nguyễn Tiến Dũng, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vì sao đàn ông đau khi chăn gối? (08/08/2003)
Phòng chống chứng chướng bụng (02/08/2003)
Dị ứng tinh thần (02/08/2003)
Hạn chế phiền toái thường gặp khi mang thai (01/08/2003)
Tác động xấu của thuốc lá tới các cơ quan trong cơ thể (31/07/2003)
Béo phì do rối loạn nội tiết (31/07/2003)
Thuốc chữa bệnh viêm đại tràng mạn (31/07/2003)
Đái buốt, đái rắt không chỉ là dấu hiệu bệnh lý ở bàng quang (31/07/2003)
Bệnh basedow trẻ em (30/07/2003)
Phòng chữa khuyết tật bẩm sinh (27/07/2003)
Điều trị sẹo bằng máy siêu mài mòn da (25/07/2003)
Giãn tĩnh mạch (25/07/2003)
Chấn động não, bao giờ có thể yên tâm? (25/07/2003)
Coi chừng nhiễm virus viêm gan A trong nguồn nước (25/07/2003)
Muốn khoẻ xương, đừng quên sữa (24/07/2003)
Tro ve dau trang