Trước hết không nên ghép 2 dấu hiệu này lại với nhau. Lý do là có khi đái rắt mà không đái buốt và có khi đái buốt mà không đái rắt. Ngoài ra cần khai thác các dấu hiệu ấy để phát hiện nguyên nhân ở bàng quang.
Đái buốt mà không đái rắt
Đôi khi đái rất buốt. Nên nghĩ đến viêm niệu đạo, viêm miệng sáo. Có thể do nhiễm trùng thông thường hay do lậu. Một đấng mày râu, sau khi "đi lại" với một phụ nữ mấy ngày mà lại bị đái buốt như trên thì nên nghĩ đến bị bệnh lậu cấp (Viêm niệu đạo cấp do lậu). Nếu có mấy giọt mủ ở đầu lỗ sáo thì càng chắc chắn. Nếu soi tươi giọt mủ này thấy có: lậu trùng (hình hạt cà phê) thì càng chắc chắn hơn nữa.
Vì đái buốt như vậy nên bệnh nhân sợ uống nước và rất sợ đái (nên không đái rắt). Nhưng khi bắt buộc đái thì rất buốt, rất nóng dọc niệu đạo. Nước tiểu ra đến đâu biết đến đấy. Vì nước tiểu có pH axit và có một số muối khoáng, chất urê…đi qua niêm mạc niệu đạo đang bị viêm cấp và sung huyết nặng.
Đái buốt mà không đái rắt cũng có thể do sỏi bàng quang. Thường là sỏi vừa, bằng trứng chim cút, chim câu, hay trứng gà so… Khi còn nước tiểu trong bàng quang thì hòn sỏi không trực tiếp chạm vào thành bàng quang nên không buốt. Nhưng khi đái hết hay gần hết, có nghĩa là cuối bãi thì rất buốt vì hòn sỏi trực tiếp cọ sát vào niêm mạc bàng quang, gọi là đái buốt cuối bãi. Nhưng khi hòn sỏi bé hơn vừa cỡ để lọt xuống cổ bàng quang thì đái buốt kèm theo dấu hiệu đang đái tắc lại. Vì vậy người bệnh cũng sợ nên không đái rắt. Nhưng khi không nhịn được nữa thì có người phải nằm đái để hòn sỏi không lọt xuống cổ bàng quang, đỡ buốt.
Đái rắt mà không đái buốt, thường gặp trong:
U xơ tuyến tiền liệt: Ở giai đoạn đầu, đái rắt do kích thích ở vùng cổ bàng quang. Ngoài 40 tuổi, đàn ông đã có thể mắc. Thường đái rắt nửa đêm về sáng, giai đoạn này chưa có dấu hiệu vướng tắc. Nếu nặng hơn có thể đái rắt cả đêm và ngày.
- Ở phụ nữ thường do các khối u vùng tiểu khung như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, do tử cung đổ ra trước, hay do có thai mấy tháng đầu. Các khối này kích thích vào bàng quang gây đái rắt (mà không buốt).
Nếu đái rắt quá nặng, các lần đái quá gần nhau và trở nên không tự chủ thường do các rối loạn giải phẫu hay thần kinh sau để có can thiệp. Đái rắt cũng có thể do nội tiết. Thường xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt, trong các bệnh có rối loạn chức năng buồng trứng. Tình trạng thai nghén cũng có thể gây ra đái rắt vì có thể thay đổi về nội tiết.
- Đái rắt do cổ bàng quang mở không tốt: người bệnh nhận thấy nếu thỉnh thoảng đái 50ml thì dễ hơn là đợi bàng quang đầy (đến 300ml) mới đái. Trong tình huống này đái rắt trở thành một dấu hiệu "ngụy trang" cho chứng đái khó (dysurie).
- Đái rắt do đái nhiều nước. Thường thì người bệnh nghĩ là khi ăn nhiều, uống nhiều thì phải đái nhiều lần. Nhưng nếu cứ kéo dài thì phải tìm bệnh ở thận hay ở tuỵ (tiểu đường) hoặc ở hệ thần kinh. Nhưng nếu vừa đái buốt, vừa đái rắt thì sao? Vì "nhiệt", chưa chắc! Vì viêm bàng quang, cũng chưa chắc, khoan vì nghĩ đến nó. Có nhiều chi tiết phức tạp, nhất là về nguyên nhân cho từng giới, cho từng lứa tuổi… Trong mùa nắng, nóng, đái buốt, đái rắt xảy ra nhiều hơn các mùa mát, mùa lạnh.
Đây là một vấn đề đáng quan tâm cho tất cả mọi người.
Bao nhiêu thứ thuốc được huy động để đối phó với 2 dấu hiệu này. Thuốc tây, thuốc ta, thuốc lá ngoài chợ… Vì nhiều người chưa biết một điều rất cơ bản đái buốt, đái rắt có thể là do bệnh viêm bàng quang nhưng cũng là hội chứng viêm bàng quang, biểu hiện của nhiều bệnh khác thậm chí nhiều bệnh ngoài bàng quang.
BS Nguyễn Bá Phiên, Sức khỏe và Đời sống |