Giãn tĩnh mạch
11:45' 25/07/2003 (GMT+7)

Hỏi: Tôi 43 tuổi, 2 bắp chân chằng chịt gân xanh, nghe nói đó là bệnh giãn tĩnh mạch. Xin cho biết rõ về bệnh này? Có nguy hiểm không?

Chân của một bệnh nhân giãn tĩnh mạch

Trả lời: Giãn tĩnh mạch là tình trạng những tĩnh mạch nông ở chi dưới giãn ngoằn ngoèo thành những búi tĩnh mạch màu xanh nổi cộm dưới da.

Giãn tĩnh mạch là do cấu trúc và chức năng của các van ở tĩnh mạch bị suy giảm, do thành tĩnh mạch hoặc do áp lực máu trong lòng tĩnh mạch tăng cao, cũng có thể do lỗ rò giữa động mạch và tĩnh mạch.

Giãn tĩnh mạch có thể nguyên phát hoặc thứ phát sau viêm tắc tĩnh mạch. Giãn tĩnh mạch nông không rõ nguyên nhân hay gặp ở nữ, gấp 2-3 lần ở nam. Khoảng một nửa số bệnh nhân có yếu tố gia đình, nghĩa là trong nhà có nhiều người cùng bị giãn tĩnh mạch.

Có trường hợp tĩnh mạch bị giãn lớn nhưng không có triệu chứng, đôi khi giãn những tĩnh mạch nhỏ có thể gây nhiều triệu chứng khó chịu như: cảm giác nặng, rát âm ỉ hay cảm thấy mỏi ở 2 chân. Bệnh nhân thường bị vọp bẻ (hay còn gọi là chuột rút) vào ban đêm. Có lúc người bệnh thấy đau âm ỉ hay có cảm giác như ép vào chân khi đứng lâu. Cảm giác khó chịu sẽ đỡ khi bệnh nhân nằm ngửa, 2 chân kê cao hơn đầu. Giãn tĩnh mạch nặng, diện rộng có thể gây loét da.

Nhìn chân của người bị giãn tĩnh mạch, ta có thể thấy tĩnh mạch nổi chằng chịt kéo dài dưới da, vùng cẳng chân, đùi, nhìn thấy rõ khi đứng. Tuy nhiên, ở bệnh nhân béo thì nhìn có thể không thấy rõ mà sờ mới phát hiện được. Những trường hợp giãn tĩnh mạch nhiều trong thời gian dài có thể xuất hiện những mảng sắc tố màu xanh, nâu, lốm đốm và mỏng ở vùng cổ chân. Trầm trọng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm tĩnh mạch.

Biến chứng


Trường hợp giãn tĩnh mạch nặng có mỏng da, mảng sắc tố nâu có thể bị loét khi có một vết xước nhẹ, thậm chí không sây sát cũng bị loét da. Vết loét có thể lan đến vùng tĩnh mạch giãn gây loét và chảy máu nhiều. Trong những trường hợp này, nên băng ép tại nơi bị chảy máu và kê chân cao.

Giãn tĩnh mạch nặng có mỏng da lâu ngày có thể gây viêm da mạn tính. Nguy hiểm hơn, một số trường hợp còn bị viêm tĩnh mạch huyết khối, phổ biến ở bệnh nhân sau mổ, phụ nữ có thai, sau sinh sau sinh hoặc đang dùng thuốc ngừa thai. Người làm những nghề phải ngồi lâu cũng dễ bị huyết khối tĩnh mạch nông.

Điều trị

Khi bị giãn tính mạch nhẹ, nên dùng tất thun, hạn chế đứng lâu, khi nằm nghỉ nên kê chân cao. Trường hợp nặng có thể giải phẫu.

BS. Nguyễn Khắc Hiền, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chấn động não, bao giờ có thể yên tâm? (25/07/2003)
Coi chừng nhiễm virus viêm gan A trong nguồn nước (25/07/2003)
Muốn khoẻ xương, đừng quên sữa (24/07/2003)
Các loại viêm mũi (23/07/2003)
Dị tật thừa ngón tay bẩm sinh (23/07/2003)
Có khoảng 50 bệnh gây triệu chứng đau đầu (23/07/2003)
Lợi ích của khám phụ khoa định kỳ (23/07/2003)
Điều trị bệnh nấm móng (22/07/2003)
Ăn cơ quan sinh dục động vật có làm tăng khả năng tình dục? (22/07/2003)
Người bệnh tim có thể đi máy bay? (22/07/2003)
Khi đưa trẻ đi tàu xe (20/07/2003)
Ăn gì lợi sữa? (19/07/2003)
Các cách đánh gió (18/07/2003)
Say nóng và biện pháp xử lý (18/07/2003)
Cholesterol xấu và tốt (18/07/2003)
Tro ve dau trang