Khi mũi nghẹt, liên tục chảy nước, đóng vảy, chảy máu hoặc toả mùi hôi nồng nặc, người ta đều nghĩ mình bị viêm mũi. Tuy nhiên, căn bệnh khó chịu này có nhiều loại với nhiều triệu chứng và cách chăm sóc, kiêng khem và điều trị khác nhau.
Viêm mũi mạn tính
Triệu chứng:
- Tắc mũi (triệu chứng này là chủ yếu). - Nếu viêm nhẹ, tắc mũi xảy ra không thường xuyên hoặc luân phiên (chỉ tắc một bên mũi), khi nằm nghiêng sang bên nào thì lỗ mũi bên đó tắc. - Nếu viêm nặng thì tắc liên tục. Mũi chảy nước nhiều, thường là chất nhầy.
Chăm sóc & điều trị:
Người bị viêm mũi mạn tính hàng ngày nên chú ý rèn luyện thân thể, cải thiện môi trường làm việc, chú ý đến sự thay đổi cua thời tiết để kịp thời bảo vệ sức khoẻ. Không dùng tay ngoáy mũi. Luôn giữ tinh thần vui vẻ sảng khoái. Đảm bảo đi đại tiện đều đặn. Không lạm dụng thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch.
Khi viêm mũi mạn tính có những biểu hiện như nghẹt mũi đảo bên, mũi chảy nước trong, nghẹt mũi ngày càng nặng, sắc mặt trắng, thở gấp, ho đờm trắng, mệt mỏi chán ăn, lưỡi nhạt màu, rêu lưỡi trắng, mạch yếu thì không nên ăn củ cải, không uống nhiều rượu và ăn nhiều loại thịt.
Khi có các biểu hiện như nghẹt mũi liên tục, xương lá mía đỏ sậm, nước mũi đặc đục, lưỡi đỏ sậm, đau đầu, mạch không đều, phần lớn là do khí huyết ngưng trệ. Không nên ăn nhiều chocolate, những thức ăn có tính chất kích thích như ớt, hạt tiêu... Nên dùng những thức ăn dễ tiêu, ăn nhiều rau, trái cây để thuận lợi cho việc bài tiết của cơ thể. Không nên hút thuốc, uống rượu.
Khi có những biểu hiện như trong mũi khô nóng, đóng vảy, đôi khi có xuất huyết, khô họng, lưỡi khô đỏ, mạch yếu là do phế âm bị suy nhược. Tránh dùng những thức ăn có tính kích thích. Nên ăn nhiều trái cây, rau xanh.
Khi viêm mũi đến thời kỳ tăng nặng, mũi chảy nước vàng, kèm theo sốt, sợ lạnh, toàn thân đau nhức, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch loạn (là do bị ngoại cảm phong tà) thì không dùng những thức ăn khó tiêu và có tính kích thích làm cho bệnh tình tăng nặng gây khó khăn cho việc điều trị.
Viêm mũi teo
Viêm mũi teo còn gọi là viêm mũi thối, viêm mạn tính mũi thối hoặc trĩ mũi. Đây là một loại bệnh viêm mũi mạn tính đặc thù tiến triển chậm, thường xảy ra nhiều ở nữ giới, triệu chứng tăng nặng trong thời kỳ mang thai hoặc có kinh nguyệt.
Đặc điểm của bệnh:
Niêm mạc mũi teo lại, khô, phần dưới xương lá mía bị thu hẹp, hốc mũi nở rộng, đóng nhiều vảy màu xanh, gây tắc mũi. Các loại vi khuẩn và vi sinh vật sinh sôi phát triển dưới những lớp vảy, sự phân huỷ chất protein gây ra mùi thối.
Người bệnh thường không ngửi thấy mùi thối vì niêm mạc vùng khứu giác cũng bị teo, dẫn đến suy giảm hoặc mất khứu giác. Biểu hiện lâm sàng tương tự viêm mũi mạn tính, bên trong mũi cảm thấy khô nóng, sụn giáp mũi bị teo nhỏ, niêm mạc khô, không chảy nước, đóng vảy, mất khứu giác.
Điều trị:
Người bị bệnh viêm mũi teo ngoài việc tích cực điều trị bằng thuốc nên tập luyện thể dục hàng ngày. Mỗi ngày phải rửa sạch khoang mũi, làm mềm các vảy trong mũi sau đó lấy ra, kết hợp với day ấn chà xát bên ngoài mũi. Khi thời tiết khô nóng, đi ra ngoài phải có khẩu trang hoặc dùng các loại thuốc nhỏ mũi có chất dầu như dầu bạc hà tổng hợp...
Để bệnh thuyên giảm, cần kết hợp chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây để cơ thể dễ bài tiết. Không dùng ngón tay móc vào mũi để tránh tổn thương gây chảy máu mũi. Không dùng thức ăn có tính kích thích. Có thể dùng những loại thịt có tính bổ âm như thịt vịt, thịt lợn, cá có vảy... Nên dùng những đồ uống như trà cúc hoa, nước ngân nhĩ... Không nên hút thuốc uống rượu, không ăn nhiều chocolate, lạc, hạt dưa....
Viêm mũi dị ứng
- Hắt hơi liên tục, chảy nhiều nước mũi trong, ngứa mắt và chảy nước mắt, có thể lan đến phế quản khiến thở khò khè (hen phế quản). - Các triệu chứng khác: Ngứa cổ và vùng vòm họng, khứu giác giảm, đau đầu.
Các triệu chứng này thường xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với phấn hoa, ăn một số loại thức ăn như tôm cua.... Ngoài ra, khi phát bệnh, bệnh nhân nên tìm hiểu xem môi trường xung quanh có gì mới lạ không, ví dụ như dùng một loại mỹ phẩm mới, quần áo giặt bằng chất tẩy rửa mới, ăn thức ăn lạ. Nếu để ý kỹ, có thể phát hiện ra những dị nguyên gây bệnh. Nếu không, nên đến bệnh viện kiểm tra và làm các xét nghiệm trên da với loại kháng nguyên như phấn hoa, bụi đất, nấm mốc, lông... Khi xác định được nguyên nhân gây dị ứng thì việc điều trị sẽ có hiệu quả hơn.
Những người bị viêm mũi dị ứng nên tránh tiếp xúc với các dị nguyên, hỉ mũi đúng cách, tăng cường tập luyện thân thể và hạn chế dùng các thuốc co mạch.
BS. Minh Nguyệt, Khoa học & Đời sống |