Người xưa quan niệm phong là một trong sáu thứ khí hậu trái, thường gây bệnh tật (Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hoả). Khi bị trúng phong (cảm mạo), dân gian có nhiều cách trừ, được lưu truyền và sử dụng rộng rãi đến ngày nay.
Theo Y học cổ truyền, kỹ thuật đánh gió là tác động một lực vừa lên hai bên cột sống hay giữa cột sống. Có thể tác động trực tiếp bằng tay, cũng có thể thông qua một số thuốc hay vật dụng khác. Người bệnh có thể nằm hoặc ngồi, người đánh gió đứng bên cạnh hay phía sau người bệnh.
Các cách đánh gió đơn giản
- Dùng miếng bạc hay đồng tiền bằng bạc: Dùng miếng bạc hay đồng tiền bạc chà xát lên vùng da cơ hai bên cột sống theo chiều từ trên xuống. Cũng có nơi luộc quả trứng, bóc vỏ, cắm đồng tiền bạc vào giữa, lấy vải sạch bọc ngoài quả trứng còn nóng xát lên lưng người bệnh từ trên xuống, làm liên tục từ 10 đến 20 phút.
- Dùng gừng và tóc rối: Giã củ gừng tươi to độ bằng ngón chân cái người lớn, sau đó bọc trong mớ tóc rối, ngoài cùng cuộn gạc mỏng, rồi chà xát hai bên cột sống từ cổ xuống tới mông. Có thể làm rộng ra hai bên khối cơ của lưng và của thắt lưng.
- Dùng gừng tươi, tóc rối tẩm rượu: Cũng giã gừng bọc trong tóc rối như trên, rồi nhúng vào chén rượu mạnh 40-46o chà xát như trên, khô rượu lại tẩm tiếp. Thời gian cũng từ 10-20 phút.
- Dùng hai đầu ngón tay cái và trỏ miết dọc hai bên cột sống từ nhẹ tǎng sâu dần làm cho hai bên cột sống tấy đỏ lên.
- Dùng lá trầu không: Giã nát lá trầu không, tẩm dầu hỏa xoa xát hai bên cột sống.
Ngoài ra cũng có thể phối hợp đánh gió với day bấm một số huyệt như: phong trì, thái dương, ấn đường, phế du, thận du.
Đánh gió khi nào?
Chỉ nên đánh gió khi người bị cảm mạo (cảm mạo phong hàn hay phong nhiệt), đau đầu, đau lưng và đau thắt lưng cấp, đậu lào hoặc trong trường hợp sốt không ra mồ hôi.
Không đánh gió cho người có bệnh ngoài da nặng, bỏng, mụn nhọt lây lan, mất máu, ra mồ hôi nhiều, ỉa chảy nhiều.
(Theo Sức khoẻ & Đời sống)
|