Chăm sóc người già bị tiểu tiện không tự chủ
16:54' 17/07/2003 (GMT+7)

Vì chứng bệnh phổ biến của người cao tuổi này, nhiều cụ xấu hổ, mặc cảm không dám tiếp xúc với ai, lâu ngày còn bị trầm cảm. Tiếc là con cháu thường cho tiểu tiện không tự chủ là chứng bệnh đương nhiên của tuổi già, không đưa các cụ đi khám chữa dù tình trạng này hoàn toàn có thể tránh và điều trị.

 

Theo cơ chế tiết niệu, nước tiểu được lọc qua thận, sau đó được giữ ở bàng quang. Khi bàng quang đầy sẽ truyền tín hiệu qua dây thần kinh lên não báo cho não biết. Các dây thần kinh khác lại báo ngược lại bàng quang. Khi đó nếu có điều kiện đi tiểu, bàng quang sẽ co bóp đẩy nước tiểu ra ngoài, nếu chưa có điều kiện thì nước tiểu tiếp tục được giữ trong bàng quang.

Khi tuổi già đến, hoạt động của thận và bàng quang trở nên kém hơn. Lúc tiểu tiện, bàng quang không có khả nǎng tống hết nước tiểu ra, do vậy khi tiểu xong vẫn còn một lượng nước tiểu tồn dư trong bàng quang. Việc ứ đọng nước tiểu như vậy sẽ tạo điều kiện gây nhiễm trùng đường niệu.

Ở người già, có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể ảnh hưởng đến hoạt động tiểu tiện, chẳng hạn như đi lại khó khǎn do đau khớp, đau chân, một số bệnh như đái tháo đường, hoặc dùng thuốc lợi tiểu... sẽ gây đái nhiều với các triệu chứng sau:

Cǎng ép bàng quang

Là tình trạng són đái khi người già làm bất cứ động tác gì gây một áp lực ép lên bàng quang chẳng hạn như đứng lên, vận động hoặc thậm chí ho hoặc cười. Dạng tiểu tiện không tự chủ này hay gặp ở phụ nữ, nhất là phụ nữ béo, chửa đẻ nhiều lần. Thường chỉ són ít nước tiểu, nhưng đôi khi cũng són nhiều.

Không nhịn được

Bệnh nhân không kịp ra nhà vệ sinh đã đái ra quần rồi. Số lượng nước tiểu thường nhiều, xảy ra đột ngột thường không có dấu hiệu báo trước do khả nǎng giữ nước tiểu của bàng quang bị suy yếu. Những người này thường không dám đi đâu xa nhà vệ sinh vì sợ tiểu ra quần, do vậy ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của các cụ.

Đái rỉ


Đôi khi đường ra của nước tiểu bị tắc nghẽn do phì đại tuyến tiền liệt (ở nam giới), sa dạ con (ở nữ giới) hoặc do táo bón (nhu động ruột kém). Loại này gặp cả ở nam lẫn nữ. Người bị bệnh này có thời gian để ra nhà vệ sinh, nhưng vì bàng quang không có khả nǎng tháo hết nước tiểu nên hay bị đái rỉ giữa các lần đi tiểu.

Đái rỉ liên tục

Nước tiểu rỉ ra liên tục do các thần kinh đến bàng quang bị tổn thương vì mắc bệnh ở tủy sống hoặc đột qụy. Quần áo, chǎn đệm của bệnh nhân lúc nào cũng ướt.

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên tiểu tiện không tự chủ, kể cả tổn thương thực thể như nhiễm trùng tiết niệu hay tâm thần như lú lẫn, sa sút tâm thần. Đôi khi nguyên nhân lại ở môi trường xung quanh: nhà vệ sinh xa, không thuận tiện. Cũng có thể do dùng một số thuốc như lợi tiểu hoặc một số thuốc an thần làm bệnh nhân không nhớ là phải đi tiểu. Tiểu tiện không tự chủ cũng hay xảy ra khi người già bị ốm vì một lý do nào khác. Khi bệnh khỏi thì tình trạng này cũng tự hết.

Điều trị

Có nhiều biện pháp điều trị tiểu tiện không tự chủ nhưng trước tiên phải xác định được nguyên nhân gây bệnh. Do vậy, cần đi khám ở các cơ sở y tế. Các biện pháp điều trị đơn giản bao gồm:

- Làm cho việc đi tiểu trở nên dễ dàng hơn: Nếu nhà vệ sinh ở xa thì cần đặt bô tiểu ở cạnh giường. Các cụ bị bệnh này nên mặc các loại quần áo dễ cởi (ví dụ quần chun...) để khi cần có thể tụt ngay ra.

- Nếu bệnh nhân đang dùng các thuốc như lợi tiểu, an thần... thì cần hỏi ý kiến của thầy thuốc xem có thể giảm liều hoặc ngừng thuốc không. Nếu có nhiễm trùng đường niệu thì cần dùng kháng sinh ngay.

- Luyện tập: Luyện tập sẽ làm tǎng trương lực của các cơ tham gia vào hoạt động tiểu tiện.

- Tập giữ nước tiểu: Khuyến khích người già dừng tiểu khi mới đái được một nửa, đếm đến 3, sau đó lại đái tiếp. Tập như vậy nhiều lần sẽ làm cho cơ thắt khỏe hơn. Khi đã quen có thể nhịn lâu hơn.

Phẫu thuật: Nếu người già có các bệnh gây tắc nghẽn đường tiểu như u xơ tiền liệt tuyến (ở nam giới) hoặc sa tử cung (ở nữ giới) thì cần đi khám và nếu cần thì phẫu thuật để giải quyết tận gố.

- Tập phản xạ đi tiểu: Cần nhắc bệnh nhân đi tiểu theo giờ nhất định để hạn chế tình trạng tiểu tiện không tự chủ. Để làm điều này có hiệu quả cần theo dõi xem bệnh nhân thường tiểu tiện không tự chủ vào lúc nào để xác định giờ đi tiểu. Ví dụ theo dõi trong 3 ngày:

Ngày thứ nhất: 6h sáng: đái dầm, 7h: đi tiểu, 8h45: đái dầm, 11h30: đi tiểu, 12h30: đái dầm.
Ngày thứ hai: 6h: đái dầm, 6h30: đi tiểu, 8h30: đái dầm, 10h30: đi tiểu, 12h15: đái dầm.
Ngày thứ ba: 6h15: đái dầm, 6h45: đi tiểu, 8h45: đái dầm, 11h00: đi tiểu, 12h30: đái dầm.

Như vậy chúng ta thấy bệnh nhân thường đái dầm vào khoảng 8h30-8h45 và 12h00-12h30. Trong trường hợp này nên khuyên bệnh nhân đi tiểu vào lúc 8h15 và 11h45 dù đã mót tiểu hay chưa.

Thông thường những người bị tiểu tiện không tự chủ do không nhịn được (chưa ra đến nhà vệ sinh đã tiểu tiện ra quần rồi). Vì sợ bị đái dầm nên mỗi khi vừa cảm thấy mót là chạy ngay ra nhà vệ sinh. Thói quen này không tốt vì lâu dần bàng quang sẽ quen với tình trạng này nên chỉ giữ được một lượng ít nước tiểu là phải đi tiểu ngay.

Những người này nên tập như sau: mỗi khi buồn tiểu, không nên ra nhà vệ sinh ngay mà cố gắng nhịn khoảng 5 phút rồi hãy đi. Lúc đầu có thể đái dầm, nhưng sau đó bàng quang sẽ quen dần cho đến khi có thể chủ động đi tiểu được.

Chǎm sóc

Ngay cả khi không thể chữa được tình trạng tiểu tiện không tự chủ, vẫn có rất nhiều cách để giúp cho những người này sống dễ chịu hơn. Khi các cụ đái dầm, mà không có khả nǎng tự thay quần áo thì những người chǎm sóc phải giúp đỡ. Cần làm việc này một cách tế nhị, không làm om xòm lên.

Không được buộc tội mà giải thích cho các cụ đấy là do bệnh chứ không phải lỗi. Như vậy người già sẽ đỡ xấu hổ và mặc cảm. Không bao giờ được để người già bị ướt quá lâu mà không thay. Da ở vùng bẹn và vùng mông rất dễ bị loét do vậy khi đái dầm cần rửa sạch và lau khô. Mặc dù có thể mặc cho người già các loại quần áo không thấm, nhưng nói chung vẫn phải thay thường xuyên để tránh nhiễm trùng, nhất là khi đã có loét.

Những người già bị tiểu tiện không tự chủ thường không dám uống nước, điều này rất nguy hiểm vì có thể gây mất nước, nước tiểu sẽ đặc và rất dễ gây nhiễm trùng. Mỗi ngày phải uống ít nhất là 8-10 cốc nước. Nên ǎn nhiều thức ǎn có xơ (hoa quả, rau...) để tránh táo bón.

Có thể lót nilông ở giường hoặc ghế, phải lót kín đáo để người bệnh đỡ mặc cảm về bệnh của mình, phải thường xuyên thay rửa, mở cửa sổ để tránh mùi. Chǎm sóc những người già bị tiểu tiện không tự chủ rất vất vả vì phải thay giặt suốt ngày. Với những gia đình neo người thì cần phải có sự hỗ trợ của hàng xóm và cộng đồng.

GS, TS. Trần Đức Thọ, Sức khởe & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bác sĩ gia đình giải đáp về ung thư (17/07/2003)
Tăng dục năng không cần rượu thịt (16/07/2003)
Ngứa hậu môn không do giun sán (16/07/2003)
Xoa bóp chữa phải gió (16/07/2003)
Hòn to - hòn nhỏ, bên có - bên không (15/07/2003)
Đuối nước và chết đuối (14/07/2003)
Chữa mụn nhọt mùa hè bằng thuốc Đông y (13/07/2003)
Chữa chai chân bằng ô mai mơ (13/07/2003)
Chữa mụn nhọt mùa hè bằng thuốc Đông y (12/07/2003)
Tóc bạc sớm (12/07/2003)
Cho trẻ uống thuốc (11/07/2003)
Thận trọng khi dùng viên thuốc sủi (10/07/2003)
Xử lý chuột rút (10/07/2003)
Tiểu ra cặn trắng (10/07/2003)
Dùng thuốc hạ sốt thế nào cho an toàn? (09/07/2003)
Tro ve dau trang