Ung thư là một căn bệnh nan y, khác với HIV/AIDS, nó có thể tấn công bất cứ một ai kể cả những người có cuộc sống lành mạnh. Liệu nó dễ lây lan không? Có thể tự khỏi không? Đông y có thể chữa khỏi ung thư không? Có nên ra nước ngoài chữa ung thư không?... Bác sĩ gia đình lần này sẽ trả lời những thắc mắc của bạn.
1. Ung thư có lây không?
Chủ yếu là không. Ung thư xuất phát từ các gen tăng sinh bất thường và di căn trong một cơ thể, hầu hết không phải nguyên nhân từ vi sinh vật. Chưa thấy bác sĩ, y tá nào đụng chạm vào ung thư mà bị mắc ung thư. Tuy nhiên, có một số ung thư liên quan chặt chẽ với vi sinh vật như ung thư cổ tử cung và ung thư dương vật với virus HPV, ung thư gan với virus HBV, U lympho Burkitte với virus EBV. Nếu tiếp xúc với các mô ung thư có vi sinh vật như vậy sẽ nhiễm khuẩn và có thể bị sinh ung thư sau đó nhưng khả năng này rất ít.
2. Loại ung thư nào dễ chữa nhất?
Đó là ung thư da tế bào đáy. Khả năng chữa khỏi gần 100% và không thấy di căn. Ngoài ra, các ung thư giáp trạng, ung thư tinh hoàn, ung thư rau, ung thư vú, ung thư cổ tử cung có tỷ lệ khỏi bệnh cao >90%.
3. Loại ung thư nào khó chữa nhất?
Là những ung thư có độ ác tính cao nằm sâu trong cơ thể như ung thư phổi, ung thư tụy, ung thư não, ung thư gan. Một trăm năm tiến bộ khoa học nhưng tỷ lệ khỏi bệnh chỉ khoảng 5-15%.
4. Ung thư có tự khỏi được không?
Có, nhưng rất hiếm.Y văn thế giới mô tả có bệnh nhân ung thư tụy, phẫu thuật viên mổ kết luật không chữa được. Sau đợt cảm sốt dài ngày, ung thư biến mất. Người ta cũng gặp đối với một số U lympho ác hoặc U hắc tố ác. Ở Việt Nam chúng ta chưa thấy.
5. Tỷ lệ sống 5 năm là gì?
Là chỉ số đo khả năng sống còn sau điều trị của bệnh nhân ung thư. Hầu hết ung thư tiến triển nhanh, tái phát tại chỗ hoặc di căn xa gặp ở hai năm đầu. Sống qua 5 nămđược coi là an toàn 95% vì vậy có thể coi là khỏi bệnh. Tuy nhiên, có một số loại ung thư, thời gian tế bào nhân đôi chậm, sống 5 năm nhưng vẫn có U tái phát hoặc di căn. Vì vậy, có hai khái niệm: Tỷ lệ sống 5 năm không bệnh (không có tái phát và di căn) và sống 5 năm toàn bộ (gồm cả những bệnh nhân sống đủ 5 năm nhưng còn mang ung thư).
6. Tìm ra bản đồ gen người có ảnh hưởng gì đến ung thư?
Đã tìm ra trên 50 gen sinh ung thư (Oncogen). Cơ chế tác dụng các gen này như thế nào còn chưa sáng tỏ. Một số nhóm các nhà khoa học đã dùng men chặt gen ung thư của bệnh nhân và ghép vào những gen lành. Kết quả nghiên cứu trên động vật có khả quan nhưng nghhiên cứu trên người còn hạn chế ở một số bệnh nhân giai đoạn muộn. Khi cắt bỏ hết khối U ung thư lớn, người ta thấy cơ thể sửa chữa lại gen hỏng. Nói chung, điều trị gen chưa mang lại nhiều kết quả mong muốn. Con đường phía trước còn rất dài.
7. Chi phí - hiệu quả của phác đồ điều trị là gì?
Là sự so sánh các giải pháp can thiệp với hiệu quả thu được.Ví dụ, phác đồ hoá trị liệu có Gemza và đơn hoá trị liệu 5FU kéo dài sự sống thêm vài tháng. Phác đồ có Gemza tốn 60 triệu, gấp trên 10 lần phác đồ thứ hai. Thầy thuốc và bệnh nhân phải bàn bạc và chọn lựa.
8. Đông y có chữa được ung thư không?
Các chuyên gia Trung Quốc cũng như các bác sĩ đông y đều trả lời là không. Một số thuốc hoá chất có nguồn gốc thực vật như cây dừa cạn, cây thông đỏ…nhưng phải cần hằng tạ cây mới chiết xuất được một lọ thuốc. Thuốc đông y tiêu viêm giảm độc có thể làm ung thư đỡ phù, đỡ viêm, bệnh nhân ăn ngon ngủ dễ hơn. Trên thực nghiệm, một số cây có ức chế tế bào ung thư rất thấp. Trên người không thấy ai khỏi vì uống thuốc đông y, vì vậy đã bị ung thư cần điều trị theo phác đồ đã được khoa học công nhận, không dại gì mà theo đuổi những điều trị chưa được khoa học công nhận. Coi chừng những người quảng cáo bán thuốc làm giàu trên sự tù mù, thiếu hiểu biết. Khi các biện pháp khoa học đã bó tay, có thể sử dung đông y giảm đau, lợi tiểu, tiêu viêm và nâng đỡ cơ thể.
9. Có nên ra nước ngoài chữa ung thư không?
Không nên! Các bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh đã đủ phương tiện chẩn đoán và điều trị ung thư. Kết quả điều trị một số loại ung thư: Vú, cổ tử cung, dạ dày, tinh hoàn, giáp trạng….không thua kém Singapore, Thái Lan. Nên nhớ, chẩn đoán và điều trị rất tốn thời gian và công sức mà phải theo dõi trong nhhiều năm. Bạn có khả năng tiền bạc và thời gian để kham nổi không. Chưa nói tới bất đồng ngôn ngữ, phong thổ và khi điều trị cần có sự chia sẻ của thân nhân, đồng bào.
(Theo Bác sĩ gia đình) |