Hỏi: Gần đây, tôi liên tục bị giun quấy rối rất khó chịu, ngứa ngáy ở hậu môn. Tôi đã dùng nhiều loại thuốc giun, rửa nước muối ấm, xà phòng hàng ngày và rất chú ý vệ sinh ăn uống, chân tay quần áo mà không thấy khỏi. Vậy có phải tôi bị nhiễm giun không, tôi nên khám chữa, điều trị ra sao?
Trả lời: Để xác định có bị nhiễm giun sán hay không thì việc cần làm là soi tươi kiểm tra phân dưới kính hiển vi phóng đại. Kết quả kiểm tra còn cho biết người bệnh bị nhiễm loại giun nào để có cách sử dụng thuốc phù hợp. Để điều trị đứt điểm, chỉ dùng thuốc tẩy giun là chưa đủ. Điều quan trọng là phải tránh tái nhiễm.
Ông cần lưu ý, ngứa hậu môn không chỉ do giun sán, đặc biệt đối với trường hợp ngứa mạn tính như ông nêu. Cần phải xem xét nhiều khía cạnh:
- Ngoài triệu chứng ngứa, vùng da và niêm mạc quanh hậu môn và lân cận (bìu, mông, đùi...) có hiện tượng bất thường không (viêm tấy sẩn, phỏng nước, rỉ dịch...). - Luôn giữ vệ sinh vùng hậu môn, nhưng cần lưu ý có những loại xà phòng, thuốc mỡ hay bột phấn có khả năng gây viêm, dị ứng, kích thích ngứa. - Một số bệnh tại chỗ, nhiễm trùng hay không nhiễm trùng có thể gây ngứa (nấm, trĩ, nứt hậu môn... Một vài bệnh toàn thân cũng có thể gây ngứa. Ông cần lưu ý đến bệnh tiểu đường, là bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, cần được phát hiện sớm, điều trị và theo dõi lâu dài.
Do vậy, ông nên quan sát hậu môn của mình qua một gương soi để nắm được cụ thể tình trạng bệnh lý của mình. Tốt nhất là nên đi khám để bác sĩ xác định bệnh, nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp. Trước mắt, ông không nên gãi, tránh nghe theo những lời mách bảo của người không có chuyên môn để bôi bất kể thứ gì lên vùng tổn thương.
BS. Lê Quang Hồng, Khoa học & Đời sống
|