Hỏi: Con tôi 1 tuổi, trong một lần sốt cao cháu bị co giật, được bác sĩ chẩn đoán là viêm họng cấp. Tôi nghe nói trẻ đã bị co giật một lần thì những lần sốt sau rất dễ tái phát. Xin hỏi nếu con tôi co giật tiếp tục co giật, tôi phải làm gì?
Trả lời: Trẻ em thường bị co giật khi bị các căn bệnh truyền nhiễm tấn công hoặc bị nhiễm trùng tai hoặc cổ họng kèm theo sốt cao. Chứng co giật kèm theo sốt cao rất đáng lo ngại, nhưng ít gây nguy hiểm nếu được chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nên đưa trẻ đến bệnh viện để ngăn ngừa các trường hợp nghiêm trọng có thể xảy ra.
Khi bị co giật , trẻ thường có những triệu chứng sau:
- Thân nhiệt cao, da ửng đỏ, ra mồ hôi nhiều. - Cơ co giật mạnh, hai bàn tay nắm lại, lưng cong. - Mặt cũng có thể bị co giật, hai mắt nheo lại hoặc tròng mắt trợn ngược. - Trẻ nín thở, mặt và cổ co giật. - Chảy nước mũi.
Xử trí
- Cởi bỏ quần áo hoặc bỏ chăn đắp cho trẻ. Cho trẻ nằm trong phòng mát và thông thoáng (tuy nhiên không để nhiệt độ trong phòng quá lạnh) - Dùng nước ấm lau người cho bé, bắt đầu từ trên đầu xuống. - Cho trẻ nằm trên nệm hoặc tấm chăn để khi co giật mạnh, bé không bị đau. - Giữ cho khí đạo của trẻ được thông thoáng bằng cách đặt bé ở tư thế hồi sức nếu được (tư thế này ngăn không cho lưỡi gây cản trở cuống họng). Đầu thấp hơn các phần khác của cơ thể để nước có thể thoát ra khỏi miệng, giảm nguy cơ nạn nhân hít phải các chất từ trong dạ dày thoát ra. Đầu, cổ và lưng phải giữ thẳng.) - Quay số điện thoại 115 gọi xe cấp cứu.
TS. Nguyễn Thanh, Sức khoẻ & Đời sống |