Hỏi: Với người lớn, có phương pháp hô hấp nhân tạo khi cấp cứu. Còn với trẻ em, có thể áp dụng phương pháp này không? Cách thực hiện thế nào?
Trả lời: Tim của trẻ rất ít khi ngừng đập nhưng lại gặp nhiều nguy hiểm khi bị nghẹt khí đạo và thở không đều. Nghẽn khí đạo thường xảy ra do thức ăn, do nôn mửa hay vật thể lạ xâm nhập. Các dấu hiệu khi bị nghẹt khí đạo: thở to, gắng sức, cử động ngực và bụng ngược lại (nghĩa là thành ngực hóp, bụng phình ra), da xanh tái, lỗ mũi đỏ lên...
Để kiểm tra hơi thở của bé, hãy nâng cằm lên và ngửa đầu ra sau để thông khí đạo. Giữ đầu của bé và nhẹ nhàng quan sát, nghe và cảm nhận hơi thở của bé. Không được dùng tay thọc sâu vào cuống họng của bé để cố lấy các vật trong miệng bé ra, vì nếu khí đạo của bé bị viêm nhiễm, có thể làm sưng hoặc làm nghẽn hoàn toàn khí đạo
Phương pháp hô hấp nhân tạo
Nên hô hấp nhân tạo cho bé bằng kỹ thuật miệng- miệng và mũi với tốc độ gấp hai lần so với người lớn. Đặt miệng bạn sát vào miệng và mũi bé rồi phả hơi vào phổi bé cho đến khi ngực căng phồng lên. Chờ ngực xẹp xuống thì tiếp tục làm như vậy khoảng 20 lần/phút.
Cách nén ngực
Nếu bạn không phát hiện mạch đập của bé (bình thường 60lần/phút), hãy áp dụng phương pháp nén ngực tại nửa dưới xương ngực. Đối với trẻ em ở tuổi đi học, có thể dùng kỹ thuật nén ngực cho người lớn. Nhưng với trẻ bé hơn thì nên thay đổi kỹ thuật, tốc độ như sau:
- Với trẻ sơ sinh, đặt bé nằm trên mặt phẳng cứng, hãy tưởng tượng có một đường thẳng nối hai đầu vú của bé. Đặt hai đầu ngón tay trỏ và ngón giữa vào giữa đường thẳng ấy nhưng hơi thấp hơn một chút. Hãy nén với tốc độ 100 lần/phút, nén sâu khoảng 1,5-2,5cm. Kết hợp với hô hấp nhân tạo bằng cách cứ 5 lần nén thì một lần hà hơi tiếp sức.
- Với trẻ lớn chưa đến tuổi đi học, có thể dùng tay, nhưng chỉ dùng một tay ấn xuống ngực sâu khoảng 2,5-3,5cm, tốc độ 100 lần/phút. Kết hợp hô hấp nhân tạo sau mỗi lần nén.
TS.Nguyễn Thanh, Khoa học & Đời sống |