Viêm xoang trán
13:59' 18/06/2003 (GMT+7)
Những cơn đau dai dẳng trong ổ mắt, gốc mũi, lan về phía lông mày, vùng trán, thậm chí cả nửa đầu. Viêm xoang trán chỉ dễ khắc phục nếu được phát hiện sớm; các trường hợp mãn tính đều cần đến sự can thiệp của các chuyên khoa lớn.
Đau nửa đầu do xoang trán- chứng bệnh dễ trở thành mãn tính

Các xoang mặt là những hốc rỗng nằm trong khối xương mặt và bố cục đối xứng hai bên, xung quanh ổ mắt, hốc mũi và đều thông thương với hốc mũi qua các ngách hoặc các lỗ xoang. Do đó khi bị viêm một xoang, có thể lây lan sang các xoang khác thành viêm đa xoang. Khi còn viêm riêng rẽ thì do vị trí và cấu trúc khác nhau, triệu chứng của mỗi loại viêm xoang có khác nhau.

Xoang trán có vị trí ở cao: ngay trên ổ mắt và nằm trong chiều dày của xương trán và chỉ ngăn cách với não vùng trán bởi một vách xương nhưng lại thông thương với hốc mũi qua một ngách dài (còn gọi là ống trán - mũi).

Triệu chứng

Vị trí nói trên của xoang trán khiến mỗi khi bị viêm có những triệu chứng khá đặc biệt, trước hết là nhức đầu. Nhẹ thì là một cảm giác nặng ở trán kèm với căng, mỏi mắt, nhất là khi gập đầu ra phía trước và khi phải cố gắng quy tụ hai mắt (nhìn chăm chú một vật nhỏ). Ở mức độ nặng hơn, có những cơn đau nhức có tính chu kỳ: buổi sáng dậy, đầu óc sảng khoái nhưng chỉ 2-3 giờ sau xuất hiện cảm giác đau, đầu tiên âm ỉ, sau tăng dần ở góc trên trong ổ mắt và gốc mũi, đau lan về phía lông mày, thái dương, vùng trán, có khi cả nửa đầu phía bên có xoang viêm. Chỉ khi tới nửa buổi chiều, cho tới khi xoang được dẫn lưu tự nhiên (áp lực của dịch viêm trong xoang gia tăng tới mức thoát ra được xuống hốc mũi), người bệnh mới có lại được cảm giác thoải mái để làm việc.

Triệu chứng đau nửa đầu này đôi khi còn kèm với chóng mặt, đã thực sự làm giảm năng lực hoạt động về trí óc của người bệnh, thậm chí kéo dài có thể gây nên trạng thái suy nhược thần kinh.

Trong các đợt đau này, nếu soi mũi sẽ thấy khe mũi giữa (nơi ngách mũi - trán đổ vào) có mủ hoặc chất nhầy đục; lau sạch thì chỉ vài phút sau lại thấy tiết ra. Ấn vào góc trên - trong của ổ mắt, phát hiện sự nhạy cảm rõ rệt.

Điều trị

Để điều trị viêm xoang trán, bác sĩ thường cho bệnh nhân chụp X quang các xoang mặt trước hoặc chụp vi tính cắt lớp (C.T.Scan) để thấy rõ tình trạng của viêm xoang trán đồng thời với các xoang mặt khác để lựa chọn cách điều trị phẫu thuật thích hợp nhất.

Ngày nay, với sự ra đời của nhiều loại kháng sinh tốt, bệnh cảnh của viêm xoang trán đã thay đổi một cách cơ bản và trong nhiều trường hợp được điều trị sớm sẽ không cần đến can thiệp phẫu thuật. Với những trường hợp phát hiện muộn, có thể áp dụng các phẫu thuật nội soi, ít gây biến chứng hơn các phẫu thuật mổ xoang trán kinh điển. Thời gian phục hồi sau mổ lại ngắn hơn và không để lại vết sẹo trên mặt người bệnh.

GS. Phạm Kim, Sức khoẻ & Đời sống

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bệnh thuỷ đậu và cách xử trí (18/06/2003)
Làm thế nào để cai nghiện thuốc lá? (17/06/2003)
Cẩn thận khi cho ong đốt chữa bệnh (16/06/2003)
Co cứng cơ và cơn Tetanie (16/06/2003)
Ăn uống chữa di tinh (13/06/2003)
Thận trọng dùng thuốc khi học thi (13/06/2003)
Tại sao nhiều phụ nữ không còn ham muốn? (12/06/2003)
Chữa cận thị bằng phương pháp Lasik (12/06/2003)
Khắc phục thoát vị nghẹt (12/06/2003)
Xử lý mụn rộp (12/06/2003)
Chăm sóc người suy thận mạn (12/06/2003)
Có nên dùng thực phẩm biến đổi gene? (11/06/2003)
Tìm hiểu bệnh viêm gan siêu vi B (10/06/2003)
Chứng... khát nước (10/06/2003)
Thuốc gì cho trẻ táo bón? (10/06/2003)
Tro ve dau trang