Chỉ một khối u nhỏ thỉnh thoảng xuất hiện ở bẹn, rốn hoặc đùi, lặn mất khi ấn cũng gây không ít khó khăn cho sinh hoạt. Khi làm việc nặng, khối u nổi to, làm chướng bụng, nôn mửa, đau hai bẹn, cả vùng bụng. Có thể phát hiện nhanh thoát vị nghẹt để phẫu thuật kịp thời.
Nam giới hay bị thoát vị nghẹt
Thoát vị là tình trạng một tạng trong ổ bụng chui qua một lỗ tự nhiên, hay một chỗ yếu của thành bụng và khung chậu. Có hai loại thoát vị:
- Thoát vị bẩm sinh: Thoát vị ở những lỗ tự nhiên của thành bụng, có thể thấy từ lúc lọt lòng hoặc chậm hơn. - Thoát vị mắc phải là thoát vị do nội tạng tự gây ra ở một chỗ yếu trên thành bụng.
Thoát vị ở vùng bẹn gọi là thoát vị bẹn, ở vùng rốn gọi là thoát vị rốn...
Tạng chui vào lỗ thoát vị có thể là mạc nối ruột non, ruột già, bàng quang...
Những loại thoát vị hay gặp là thoát vị bẹn, thoát vị rốn, thoát vị đùi. Thoát vị đùi dễ bị nghẹt vì lỗ thoát vị bé, lại là một vòng xơ nhỏ, chắc nên rất dễ gây thắt khi có nội tạng chui vào và dễ bị biến chứng nặng. Nội tạng bị thắt lại liên tục ở trong túi thoát vị tạng đó sẽ bị hoại tử vì ngưng trệ tuần hoàn, có thể gây tắc ruột, viêm phúc mạc nếu không phẫu thuật kịp thời.
Thoát vị nghẹt gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới và thường ở những người lao động chân tay nặng, đi lại nhiều.
Triệu chứng
- Đau và đau nhiều ở vùng thoát vị, cơn đau kiểu tắc ruột như buồn nôn và nôn, nôn ra thức ăn, ra nước mật. - Có thể nôn ra nước phân bí trung đại tiện. - Nếu nôn nhiều, toàn thân bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng như mạch nhanh, sốt nhẹ, môi khô, đi giải ít, mặt hốc hác, vùng thoát vị phồng to lên sờ chắc, có cảm giác căng, không đẩy được thoát vị lên, ấn vào rất đau, bụng chướng to, hình quai ruột nổi rõ. Nếu để lâu, sẽ có triệu chứng viêm phúc mạc.
Điều trị
Nếu được can thiệp sớm bằng phẫu thuật, thường cho kết quả tốt. Trường hợp phát hiện thoát vị nghẹt muộn, bệnh nhân có thể tử vong do tắc ruột gây nhiễm trùng, nhiễm độc. Tóm lại, người bị thoát vị nghẹt cần được phát hiện bệnh sớm, những trường hợp thoát vị chưa bị nghẹt cần được giải quyết bằng phẫu thuật, hoặc nếu đã bị nghẹt phải được mổ sớm trong hai giờ đầu mới mong thoát nguy cơ tử vong.
BS.Đinh Thị Thạnh, Sức khoẻ & Đời sống
|