Xét nghiệm máu của nhiều người cho kết quả viêm gan siêu vi B, nhưng ít ai biết rõ về căn bệnh này. Viêm gan siêu vi B không nguy hiểm đến mức như bạn tưởng; dù không dễ chữa trị trong một số trường hợp. Dưới đây là giải đáp của ThS-BS. Bùi Hữu Hoàng - Giảng viên bộ môn Nội trường ĐH Y Dược TP.HCM.
- Bác sĩ chẩn đoán tôi mắc bệnh viêm gan siêu vi B. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì? Bao lâu phát bệnh? Tôi phải điều trị ra sao?
- Viêm gan siêu vi do siêu vi khuẩn gây ra. Siêu vi B là một trong sáu loại siêu vi gây viêm gan. Từ khi bị nhiễm siêu vi B đến lúc phát bệnh có thể 4-6 tuần. Sau giai đoạn viêm gan cấp tính, một số trường hợp bệnh có thể kéo dài trên sáu tháng, gọi là viêm gan siêu vi B mãn tính. 15-20% bệnh nhân bị viêm gan siêu vi B mãn tính sẽ tiến triển sang xơ gan hoặc ung thư gan.
Đa số bệnh nhân bị viêm gan siêu vi B không có triệu chứng rõ rệt và bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ. Do vậy họ không hề biết mình đã nhiễm bệnh từ lúc nào và do đâu mà bị. Cách duy nhất để phát hiện bệnh là đi kiểm tra sức khỏe và thử máu định kỳ hoặc khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh gan. Trong giai đoạn cấp tính, khoáng 1/4 số bệnh nhân có các biểu hiện như sốt, đau mình mẩy giống như cảm cúm, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, đau tức ở dưới sườn bên phải, tiểu vàng sậm, rồi bị vàng da, vàng mắt.
Khi bị nhiễm siêu vi B, một số người có thể khỏi bệnh tự nhiên, số khác lại bị viêm gan mãn tính. Đặc biệt có một số người chỉ nhiễm siêu vi B nhưng gan không bị viêm (men gan còn bình thường). Đó là những "người mang siêu vi B mãn tính không triệu chứng". Những người này không cần điều trị nhưng cần được theo dõi xét nghiệm men gan mỗi sáu tháng để biết gan đã ổn định chưa.
Chỉ những bệnh nhân có men gan tăng mới phải điều trị. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa gan để được tư vấn và cho cách điều trị thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc hoặc uống theo thuốc của bệnh nhân khác vì bệnh của mỗi người không giống nhau.
- Mẹ tôi bị nhiễm siêu vi B nên bệnh viện đã chích ngừa cho tôi ngay từ lúc mới sinh; sao tôi vẫn bị nhiễm? Tỷ lệ nhiễm ở Việt Nam là bao nhiêu? Có thuốc nào uống để hết bệnh? Chế độ ăn uống của người bị nhiễm viêm gan siêu vi B ra sao? Các con đường truyền nhiễm bệnh? Nên xét nghiệm chức năng gan thế nào? Những người đã bị bệnh phải làm gì để tránh mắc bệnh nặng hơn như xơ gan, ung thư gan?
- Tỷ lệ dân số bị nhiễm khoảng 15-20%. Đường lây chủ yếu ở Việt Nam là từ mẹ bị bệnh truyền cho con khi sinh nở. Bệnh còn lây qua đường máu hoặc các dụng cụ bị dính máu của bệnh nhân vào da bị trầy xước hoặc bị đâm thủng; thường trong các trường hợp tiêm chích xì ke, mổ xẻ, châm cứu, xăm mình, xỏ lỗ tai hoặc dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu... hoặc quan hệ tình dục không an toàn (thiếu bao cao su) với người bệnh.
Tuy nhiên, khoảng 40% bệnh nhân không ghi nhận được đường lây rõ ràng. Viêm gan siêu vi B không lây qua đường ăn uống, đường hô hấp hoặc các tiếp xúc thông thường như bắt tay, nói chuyện, ăn uống chung với người bệnh. Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh là chủng ngừa đủ liều và đúng thời gian.
Với những cháu bé có mẹ bị viêm gan siêu vi B, cần được chủng ngừa sớm trong 12 giờ đầu sau khi sinh. Tuy nhiên, sau khi tiêm ngừa, phải hơn hai tuần cơ thể mới tạo được kháng thể bảo vệ. Do vậy, để đảm bảo hơn, cần tiêm thêm cho trẻ một loại thuốc kháng thể được điều chế sẵn; đó là HBIG (Hepabig) có tác dụng bảo vệ tức thì trong 30 ngày. Những trẻ bị nhiễm siêu vi B lúc mới sinh hầu như sẽ bị nhiễm mãn tính.
Việc uống thuốc, điều trị và theo dõi viêm gan siêu vi B như thế nào phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Người bị bệnh vẫn phải ăn uống điều độ và đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường. Cần hạn chế rượu, bia và các thuốc có hại cho gan như thuốc ngủ, thuốc giảm đau... Vẫn có thể duy trì mọi sinh hoạt, làm việc, vui chơi thể thao vừa sức; tránh gắng sức.
- Bác sĩ xét nghiệm máu nói tôi bị viêm gan siêu vi B. Khám xong, cho tôi một toa thuốc uống trong một tháng và dặn sáu tháng sau tái khám. Khi khám lại, tôi vẫn bị viêm gan siêu vi B. Vậy có phải tôi bị viêm gan siêu vi B mãn tính cũng như là HIV không?
- Mặc dù cách lây nhiễm của viêm gan siêu vi B cũng giống như HIV nhưng diễn tiến bệnh hoàn toàn khác. Nếu bác sĩ chỉ cho tái khám sau sáu tháng thì đó là trường hợp của những "người mang siêu vi B mãn tính". Những người này có thể mang siêu vi B gần như suốt đời nhưng gan không có biểu hiện viêm và vẫn sống khỏe mạnh như bình thường. Chúng ta không nên bi quan hay quá lo lắng khi biết bị nhiễm siêu vi B, nhưng cũng không được thờ ơ, chểnh mảng trong việc theo dõi. Chỉ có cách theo dõi đều đặn mới phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn.
(Theo Tuổi Trẻ) |