Theo y học cổ truyền, một số thực phẩm, rau củ quả khi được kết hợp, chế biến đúng cách sẽ cho những món ăn vừa ngon, vừa có công dụng giải nhiệt trong thời tiết nóng nực.
Món 1
- Nguyên liệu: Cát căn (củ sắn dây) 500g, đại táo 4 quả, trư nhục (thịt thăn lợn) 150g, xương ống chân lợn 150g, nước và gia vị vừa đủ.
- Cách chế: Củ sắn dây bỏ vỏ, rửa sạch, thái con chì; thịt thăn thái to bằng 1/3 bao diêm; xương ống đập vỡ; đại táo rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, chế đủ nước hầm nhừ trong 2 giờ, nêm gia vị, dùng làm canh ăn.
- Công dụng: Cát căn có công năng thanh nhiệt giải cơ, sinh tân chỉ khát, trừ phiền. Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy có tác dụng hạ nhiệt giải độc, làm giãn mạch, hạ huyết áp, cải thiện vi tuần hoàn, phòng chống rối loạn nhịp tim, hạ mỡ máu và đường huyết, tăng lưu lượng tuần hoàn não, kháng oxy hóa và ung thư. Đại táo bổ tỳ ích khí dưỡng huyết an thần. Thịt lợn tư âm, nhuận táo, bổ huyết. Ba thứ phối hợp với nhau tạo nên công dụng thanh nhiệt trừ phiền, bổ khí dưỡng huyết của món ăn.
Loại canh này đặc biệt thích hợp với những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường và có bệnh lý động mạch vành.
Món 2
- Nguyên liệu: Sa căn (củ đậu) 500g, thuần điểu (chim cút) 500g, thịt lợn nạc 100g, một chút trần bì (vỏ quýt), gia vị vừa đủ.
- Cách chế: Củ đậu bóc vỏ rửa sạch, thái con chì; chim cút làm sạch, để nguyên con; thịt lợn thái mỏng. Tất cả cho vào nồi, cho đủ nước, hầm nhỏ lửa chừng 2,5 giờ cho thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn.
- Công dụng: Chim cút, còn gọi là am thuần, uyển thuần, vị ngọt tính bình, có công dụng bổ tỳ ích khí, thanh nhiệt trừ thấp, làm mạnh gân cốt. Y thư cổ Bản thảo cương mục nói, thịt chim cút có thể " tư bổ ngũ tạng, ích trung tục khí, thực cân cốt, nại hàn thử, tiêu kết nhiệt" (bồi bổ ngũ tạng, có ích cho tỳ vị, làm mạch khí và cứng gân cốt; tăng sức chịu đựng với nóng lạnh, tán ứ giải nhiệt). Người xưa coi chim cút là "nhân sâm động vật''. Củ đậu vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch và làm hết khát. Món canh này có thể cho thêm một chút đậu đỏ và vài lát gừng tươi để tăng tác dụng thanh nhiệt trừ thấp và thêm phần hấp dẫn.
Món 3
- Nguyên liệu: Hiện nhục (hến) 1kg, việt qua (quả bầu) 0,5kg, thìa là, hành hoa, mỡ và gia vị vừa đủ. - Cách chế: Hến ngâm nước gạo, rửa sạch, cho vào nồi với một bát con nước, đun sôi, thấy hến há miệng thì trút ra rổ, hứng lấy nước, gỡ thịt hến đem rửa sạch, để ráo. Bầu gọt vỏ, rửa sạch, băm nhỏ theo chiều dọc quả, thái vát thành sợi, bỏ ruột. Hành, thìa là rửa sạch, thái nhỏ. Củ hành thái mỏng để riêng. Phi thơm hành mỡ, cho hến vào xào qua, nêm nước mắm, xúc ra bát. Nước luộc hến bỏ cặn, đun sôi. Cho bầu vào, đun sôi tiếp rồi đổ hến vào, chế thêm gia vị vừa đủ, dùng làm canh ăn nóng.
- Công dụng: Hến vị ngọt mặn, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, rất thích hợp cho những người bị mụn nhọt, lở loét ngoài da do nhiệt độc, tiểu tiện vàng đỏ, đái buốt, đái rắt, đái tháo đường. Trong thành phần hóa học của hến rất giàu kẽm nên có khả năng phòng chống u phì đại tiền liệt tuyến. Bầu vị ngọt, tinh mát, có công dụng giải nhiệt độc, lợi tiểu tiện, làm hết khát, rất thích hợp cho những người bị viêm đường tiết niệu, mụn nhọt do nhiệt độc, đái tháo đường. Tuy nhiên, nếu tỳ vị hư yếu; đại tiện hay lỏng loãng thì không nên ăn loại canh này.
ThS. Xuân Mai, Khoa học & đời sống
|