Trong cuộc sống hối hả thời hiện đại, ít bậc cha mẹ nhận ra ảnh hưởng của xã hội công nghiệp lên sức khoẻ con em. Chế độ dinh dưỡng, vui chơi, nghỉ ngơi thiếu hợp lý, tiếng ồn và những bất cẩn trong nhà, ngoài phố... vô tình buộc trẻ em đối mặt với nhiều nguy cơ.
1. Tiếng ồn
Thống kê gần đây của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) cho thấy trong số trẻ em nghe kém cả hai tai, có đến 61% không phải là hậu quả của bệnh mà do ảnh hưởng của tiếng ồn. Nguồn gốc khuấy động không gian yên tĩnh ngày nay có rất nhiều: từ những loa nhạc công suất cao ở các tụ điểm ca nhạc, loa nghe nhạc cá nhân, tiếng còi, tiếng gầm rú của xe, tiếng ồn từ các khu vực sản xuất... Trẻ càng nhỏ, tác hại của âm thanh càng lớn, gây tổn hại cho thính lực, nhất là với các loại đồ chơi phát ra tiếng ồn mà bé thường chơi.
Một công trình khảo sát đại trà trong nhiều năm tại Mỹ bằng phương pháp thính lực đồ đã phát hiện có đến 11,4% trẻ em từ 6-19 tuổi bị dị tật ở tai, trẻ nam nhiều hơn nữ và tùy thuộc vào lứa tuổi. Trong 597 trẻ có thính lực đồ bất thường thì có 18% nghe bình thường, 57% sức nghe giảm nhẹ, 20% giảm trung bình và 5% sẽ bị điếc. Công trình nghiên cứu đi đến kết luận, tại Mỹ đã có khoảng 5,2 triệu trẻ em bị rối loạn thính giác có thể dẫn đến điếc. Tiếng ồn trong môi trường sống công nghiệp hóa là một tác nhân quan trọng gây ra tình trạng này.
Ngoài việc giảm thính lực, tiếng ồn còn làm trẻ em không nghe được tiếng người lớn, vốn là phương tiện giúp trẻ mau nhận biết ngôn ngữ; do đó làm bé chậm biết nói.
2. Nước củ dền
Nhiều bà mẹ muốn con bổ máu đã dùng nước củ dền pha sữa cho con. Đây là một sai lầm trầm trọng có thể gây ngộ độc và dẫn đến tử vong. Sai lầm phát xuất từ chỗ máu có màu đỏ, vitamin B12 bổ máu màu đỏ, nước củ dền cũng màu đỏ, từ đó dẫn đến ngộ nhận dùng nước củ dền pha sữa sẽ có tác dụng bổ máu.
Hàng năm, các khoa, bệnh viện nhi Việt Nam thường tiếp nhận các ca cấp cứu ngộ độc do cha mẹ dùng nước củ dền pha sữa cho con uống, làm trẻ bị suy hô hấp do dư lượng nitrat trong thuốc bảo vệ thực vật. Nitrat, nitric trong nước củ dền khi vào cơ thể sẽ bám vào hồng cầu, biến ion sắt nhị (Fe 2+) thành ion sắt tam (Fe 3+), làm mất khả năng chuyên chở oxy trong tuần hoàn máu khiến cơ thể tím tái, suy hô hấp, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Điều nguy hiểm là tuy trẻ bị suy hô hấp nhưng lại không thở bằng oxy được, do không thể gắn kết oxy vào máu từ bệnh methemoglobine máu do nước củ dền gây ra.
3. Thuốc chống nôn
Mùa du lịch, cha mẹ thường đưa trẻ đi chơi xa và thường cho con uống thuốc chống nôn không qua ý kiến bác sĩ. Thuốc quen thuộc là hoạt chất Metoclopramide HCl (với nhiều tên biệt dược), thường được dùng trong hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, các thủ thuật chẩn đoán như nội soi ruột non và nôn khi trị liệu ung thư.
Việc dùng Metoclopramide cho trẻ cần thận trọng vì có thể gây ra các phản ứng ngoại tháp. Và khi đưa trẻ cấp cứu, nếu người nhà không nói rõ đã dùng thuốc này thì có thể làm bác sĩ chẩn đoán nhầm và điều trị không đúng hướng.
4. Bất cẩn khi trông trẻ
Phần lớn thời gian của trẻ em là ở trong nhà. Đây cũng là nguyên nhân gây tai nạn nếu cha mẹ không có biện pháp phòng ngừa; như bỏng do đổ nồi canh, sờ trúng ổ điện, nuốt cả gói thuốc... Các trẻ trai dưới 5 tuổi với bản chất hiếu động thường dễ bị tai nạn trong gia đình nhất như té ngã, bỏng, ngạt thở, ngộ độc.
5. Dùng thuốc cẩu thả
Dùng thuốc cẩu thả cũng là nguyên nhân gây nhiều tai họa đáng tiếc cho trẻ. Việc tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid trong thời gian dài có thể làm mắt trẻ sau này bị mù...
6. Thiếu quan tâm chăm sóc
Thời gian gần đây, y học đã báo động về tình trạng thiếu hụt tinh trùng ở đàn ông (giảm 50% trong nửa thế kỷ qua). Nhiều yếu tố được xem là nguyên nhân như sự ô nhiễm môi trường, thủng tầng ozon, tiếng ồn, stress, thuốc lá... Các tác giả Đức vừa bổ sung thêm một yếu tố nữa, đó là tã lót trẻ em bằng plastic làm tăng nhiệt độ bìu tinh hoàn. Mà đối với nam giới, việc sản xuất tinh trùng có thể bị biến đổi nếu nhiệt độ ở bìu tinh hoàn tăng lên dù chỉ 1%. Từ phát hiện này, có thể nghĩ đến việc dùng tã lót bằng chất liệu khác để không làm tăng nhiệt độ bìu tinh hoàn của trẻ.
7. Bú sữa bò quá sớm
Theo Viện Quan sát dinh dưỡng trẻ em, việc cho bé bú sữa bò quá sớm có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ, làm trẻ bị thiếu sắt, dễ dẫn đến các bệnh như thiếu máu, gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tai mũi họng và đường tiêu hóa. Mặt khác, sự dư thừa protein sẽ dẫn đến bệnh béo phì sau này.
Vì thế các chuyên viên dinh dưỡng khuyên không nên cai sữa cho trẻ trong năm đầu; thậm chí có thể kéo dài thời gian bú sữa mẹ đến năm thứ ba. Việc cho bé ăn dặm nên thực hiện từ từ với thực đơn giàu chất sắt như thịt, trứng...
8. Thiếu ngủ
Ngày nay với sự phát triển các phương tiện truyền thông và giải trí gia đình (như TV, Video, Games...), trẻ thường có khuynh hướng ngủ muộn để xem phim hoặc chơi game. Việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển trí tuệ của trẻ từ 5-15 tuổi. Theo một công trình nghiên cứu tại Israel, những trẻ ngủ ít đi 1 giờ trong vài đêm thường hay bị mệt mỏi vào buổi tối và trong những trắc nghiệm phản ứng nhanh về trí nhớ thường đạt điểm kém hơn các bé ngủ đủ giấc.
Ngoài ra, theo một công trình nghiên cứu tại Trường ĐH Ohio (Mỹ) trên 191 thiếu niên trong hai tuần, các thức uống có gaz hoặc chứa nhiều cafein cũng có thể làm rối loạn giấc ngủ, gây ảnh hưởng xấu đến hành vi của trẻ.
9. Say mê vi tính
Hiện nay máy vi tính gia đình đang rất phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn. Nếu không kiểm tra trẻ, để các cháu chơi game trong nhiều giờ sẽ dẫn đến mệt mắt, nhức đầu buồn nôn, chưa kể đến các tác hại do điện từ trường của máy vi tính gây ra. Việc ngồi quá lâu bên máy vi tính còn làm cho trẻ lười hoạt động, một yếu tố căn bản trong quá trình phát triển cơ thể.
Mỗi ngày không nên để trẻ ngồi quá 1,5 giờ bên máy vi tính. Do mắt trẻ rất nhạy cảm với ánh sáng cũng như điện từ trường từ màn hình máy tính phát ra nên dễ dẫn đến khô mắt, nhức đầu. Ngoài ra, một số trò chơi mang tính bạo lực sẽ gây căng thẳng thần kinh trẻ, do đó cha mẹ phải thường xuyên kiểm tra nội dung của trò chơi cũng như thời gian chơi của trẻ.
10. Thiết bị trường học
Theo một kết quả kiểm tra năm 2002, có 96% số trường sử dụng bàn ghế học sinh sai quy cách làm cho học sinh mệt mỏi, uể oải trong giờ học và có thể dẫn tới vẹo cột sống, cận- viễn thị sau này. Ngay cả ở những trường thuộc hạng tốt, tình trạng vẫn không khả quan với 40% học sinh phải ngồi sai tư thế do các loại bàn ghế này. Tuy nhiên đây là một vấn đề tổng thể thuộc phạm vi xã hội, ngoài tầm với của gia đình.
DS.Dương Tất Thọ, Sức khoẻ & Đời sống |