Bệnh nhân tâm thần phân liệt sẽ giảm các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, kích động, rối loạn hành vi... khi dùng amianazin. Tuy nhiên liều lượng bao nhiêu, sử dụng lúc nào, hoàn toàn phải theo chỉ dẫn thường xuyên của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ gây nguy hiểm cho người bệnh.
Aminazin là thuốc liệt thần kinh, được áp dụng từ năm 1952 để điều trị cho các bệnh loạn thần, trong đó chủ yếu là bệnh tâm thần phân liệt. Có thể nói việc sử dụng aminazin là một cuộc cách mạng trong ngành tâm thần vì hiệu quả chữa bệnh của nó; trước đó chưa một phương pháp nào có thể so sánh được.
Cho tới nay người ta chưa tìm thấy nguyên nhân của bệnh này. Do vậy aminazin chỉ là thuốc để điều trị triệu chứng (làm mất triệu chứng mà chưa thể khẳng định là điều trị khỏi bệnh). Như vậy tùy theo từng triệu chứng, từng giai đoạn của bệnh mà việc sử dụng aminazin có khác nhau.
Một số trường hợp sau khi bệnh nhân tâm thần phân liệt được ra viện để điều trị ngoại trú, gia đình lĩnh aminazin ở trạm y tế xã phường và cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn 4 viên/ngày. Điều này chưa hợp lý vì mỗi bệnh nhân có triệu chứng khác nhau, do vậy có dùng aminazin hay không, dùng liều mấy viên/ ngày phải tùy theo mỗi trường hợp cụ thể. Vì vậy, gia đình cần đưa bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế, các trung tâm sức khỏe tâm thần để có chỉ dẫn cụ thể của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Lưu ý
- Khi dùng aminazin, bệnh nhân có thể có các biểu hiện như cứng hàm, chảy nước dãi, ăn uống khó, chân tay cứng, vận động chậm chạp, tay không vung vẩy khi đi... Khi có các biểu hiện này, cần phải giảm liều thuốc cho đến khi hết hẳn các dấu hiệu kể trên.
- Với những bệnh nhân mới dùng aminazin, nhất là dạng thuốc tiêm, cần để bệnh nhân nằm tại giường 1-2 giờ sau khi tiêm để tránh tụt huyết áp. Cũng cần dừng ngay aminazin nếu thấy bệnh nhân nổi mẩn trên da sau khi dùng thuốc (đây là hiện tượng dị ứng aminazin).
- Aminazin có thể gây độc cho gan, thận và một số cơ quan khác trong cơ thể. Những bệnh nhân tâm thần phân liệt phải dùng aminazin trong thời gian dài rất cần khám nội khoa và làm các xét nghiệm định kỳ để có thể phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng do aminazin gây ra.
- Tai biến tuy hiếm gặp nhưng nếu xảy ra thì rất nặng, gọi là hội chứng an thần kinh ác tính. Bệnh nhân có các biểu hiện như sốt cao, giảm bạch cầu, rối loạn ý thức... Nếu phát hiện các dấu hiệu này, cần đưa bệnh nhân tới khoa hồi sức cấp cứu ngay.
ThS. Đinh Đăng Hoè (Viện Sức khoẻ tâm thần) |