Bỗng nhiên bạn phát hiện ngực mình không cân xứng, tròn đều, da nhăn, hoặc có một khối u. Bạn luôn bị ám ảnh bởi sự thiếu thẩm mỹ của ''khu vực'' lẽ ra phải đẹp đẽ nhất này. Tuy nhiên, việc hai bầu vú xấu đi chưa đáng ngại, điều nguy hiểm là bạn có thể bị ung thư vú. Hãy tự kiểm tra hoặc dẹp bỏ e ngại, đến khám bác sĩ.
Ai cần chú ý theo dõi ung thư (K) vú?
- Phụ nữ trên 40 tuổi. - Phụ nữ ăn nhiều mỡ. Theo thống kê, tỷ lệ K vú ở những người có chế độ ăn nhiều mỡ gấp 3 lần người bình thường. - Đẻ muộn: Những người không sinh đẻ, lấy chồng muộn. Không lấy chồng. Đẻ con đầu lòng muộn. Người có số lần đẻ ít có tỷ lệ K vú cao hơn. Những người có kinh nguyệt sớm trước 12 tuổi, mất kinh muộn sau 60 tuổi cũng có nguy cơ K vú cao hơn. - Đẻ nhưng không cho con bú: Các bệnh tiền K và nang tuyến vú thường gặp ở phụ nữ không cho con bú. - Phụ nữ từng mắc các bệnh tuyến vú lành tính như u xơ tuyến vú, áp xe vú, nang vú... đều có nguy cơ K vú cao. Người bị áp-xe vú đã rạch tháo mủ có tỷ lệ K cao gấp 3 lần người bình thường. - Người bị các trạng thái rối loạn nội tiết phải điều trị bằng các thuốc estrogen, xinextron kéo dài dễ bị K vú. - Phụ nữ tiếp xúc với các tia phóng xạ hóa chất; người có mặt bằng sống và trình độ xã hội càng cao, càng dễ bị K vú.
Tự phát hiện khối u
Phụ nữ thường rất ngại đi khám bệnh, nhất là khi có những vấn đề ở cơ quan sinh dục nói chung và tuyến vú nói riêng. Việc tự theo dõi hai bầu vú hàng ngày hết sức quan trọng. Theo thống kê, 80-90% bệnh nhân tự phát hiện thấy u vú rồi mới đến bệnh viện; dĩ nhiên là đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Để phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này, phụ nữ từ 20 tuổi nên tự khám vú 1-2 lần mỗi tháng.
Cách khám:
Đứng trước gương, hai tay duỗi thẳng, rồi chống nạnh, sau đó đặt hai tay lên đầu cho cân xứng, quan sát kỹ hai bầu vú ở các tư thế, xem độ cân xứng 2 vú. Sau đó dùng lòng bàn tay sờ nắn vú với tư thế đứng hay nằm; chú ý không bóp ngang mà dùng cả bàn tay nắn toàn diện lên mặt tuyến vú. Các tư thế kiểm tra vú:
- Quan sát trước xem kích thước và hình dạng bộ ngực có bị biến đổi không. - Hai tay giơ cao xem ngực có bị biến dạng hoặc không đều không. - Nằm thẳng, bàn tay trái đặt trên ngực phải hoặc tay phải đặt trên ngực trái, xoa đều lên mỗi bên. - Đứng xem đầu vú có bị thụt vào trong hoặc biến dạng không; có thấy vết thương hay khi ấn nhẹ ra nước không.
So sánh kỹ hai bên vú, nếu phát hiện được những bất thường, phải đi khám bệnh ngay.
Phụ nữ (nhất là lứa tuổi trên 40) cần đi khám vú thường kỳ 1 lần/năm để phát hiện sớm K vú.
Xác định u lành hay ác tính
Khối u ở vú có hai loại chính: loại lành tính thường là u xơ tuyến vú, nang xơ tuyến vú, dị sản tuyến vú... Loại ác tính là K vú. Mỗi loại đều có triệu chứng lâm sàng khác nhau; tuy nhiên bằng lâm sàng chưa thể khẳng định là lành tính hay ác tính dù bác sĩ có kinh nghiệm đến đâu. Người bệnh phải làm xét nghiệm giải phẫu bệnh lý tức là lấy tổ chức tế bào tại khối u (có thể bằng chọc hút hay phẫu thuật cắt một phần khối u) soi dưới kính hiển vi với một kỹ thuật đặc biệt. Các chuyên gia giải phẫu bệnh sẽ kết luận là u lành hay ác tính. Khi chưa có kết quả sinh thiết chắc chắn thì chưa thể có biện pháp điều trị cụ thể và đúng được.
Điều trị
Với tiến bộ khoa học ngày nay, việc điều trị K vú đã có thể thực hiện. Nếu phát hiện u sớm, có thể giữ lại được nguyên vú, chỉ cần lấy khối u và một phần tuyến lành quanh đó, kết hợp vét hạch nách. Phương pháp điều trị này khác hẳn cách điều trị cổ điển là cắt toàn bộ vú (thậm chí lấy cả cơ ngực) làm ảnh hưởng nhiều đến chức năng, thẩm mỹ sau mổ.
Với những trường hợp phát hiện K vú muộn, khối u quá lớn xâm lấn tổ chức xung quanh, các bác sĩ sẽ buộc phải phẫu thuật cắt toàn bộ vú, các cơ ngực, nạo hạch nách. Sau khi phẫu thuật, vấn đề chiếu xạ, và sử dụng hóa chất là hết sức cần thiết để bảo đảm lành hẳn, không tái phát. Liều chiếu xạ, thời gian chiếu xạ phải do bác sĩ chuyên khoa phóng xạ hạt nhân chỉ định. Bệnh nhân chiếu xạ nên định kỳ 1-2 tháng tái khám một lần. Nếu phát hiện hạch di căn ở thành ngực, hố nách, hố thượng đòn, cần nhanh chóng phẫu thuật vét hạch ngay (kỹ thuật này gọi là mổ "đuổi"). Những trường hợp bắt buộc phải lấy đi cả vú có thể được tái tạo vú từ các cơ quan lân cận hoặc làm vú nhân tạo nhằm giải quyết vấn đề thẩm mỹ.
Các chuyên gia chuyên ngành ung bướu cho rằng, những bệnh nhân phát hiện K vú sớm, được điều trị nghiêm túc (sau phẫu thuật được điều trị hóa xạ liệu, theo dõi thường xuyên, điều trị "đuổi" ở giai đoạn tiếp theo) cơ may kéo dài thời gian sống rất cao, tái phát thấp. Những bệnh nhân này dĩ nhiên phải được theo dõi thường xuyên sau mổ nhờ các xét nghiệm chuyên khoa như chụp hình tuyến vú 2 bên, xét nghiệm sinh học, chất đánh dấu CA 15-3, ACE. Thời gian theo dõi liên tục 1 lần/ tháng trong vòng 10 năm.
ThS.Hoàng Tăng Bình, Sức khoẻ & Đời sống
|