Hỏi: Cách đây 6 tháng, tôi bị ngã ngồi, đập mông xuống đất; sau đó thấy đau âm ỉ vùng cột sống thắt lưng, lệch vẹo cột sống, cảm giác tê bì, kiến bò, bỏng buốt ở chân phải. Tôi đã điều trị bằng thuốc Tây, thuốc Đông y, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu nhưng không khỏi, cẳng chân phải còn bị teo nhỏ. Xin cho biết cách chữa trị.
Trả lời: Cột sống gồm nhiều đốt sống hợp lại, khe giữa hai đốt sống là đĩa đệm. Nhờ tính chất đàn hồi, đĩa đệm có tác dụng như bộ giảm xóc, bảo vệ cột sống khi bị chấn thương. Ở người trên 35 tuổi, đĩa đệm bắt đầu thoái hoá, không còn mềm mại, nhân bên trong có thể bị khô, vòng sợi sụn bên ngoài xơ hoá hoặc đóng vôi. Nếu các đốt sống có một lực ép mạnh vào đĩa đệm (ngã ngồi, vác vật nặng), có thể làm rách đứt các vòng sợi sụn; nhân nhầy của đĩa đệm bị đẩy trượt ra ngoài, chui vào ống sống gây:
- Đau, teo cơ, mất phản xạ thần kinh chi phối (do chèn ép vào rễ thần kinh) - Chèn ép vào mạch máu gây phù nề; biến dạng khe gian đốt làm hẹp lỗ liên hợp - Gây dính các rễ thần kinh vào bao màng cứng của ống tuỷ.
Vùng thường gặp thoát vị đĩa đệm nhất là vùng cột sống thắt lưng- cùng, vì đây là bản lề vận động cúi-ngửa-nghiêng-xoay của cột sống. Thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng-cùng gây đau dây thần kinh hông to (đau dây thần kinh toạ).
Trường hợp của ông là hiện tượng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng- cùng. Để chẩn đoán xác định vị trí của ổ thoát vị đĩa đệm, ông cần vào viện khám và làm một số xét nghiệm. Biện pháp duy nhất để tránh tàn phế cho ông là phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Cơ sở y tế có kinh nghiệm điều trị thoát vị đĩa đệm nhiều năm qua là Khoa Phẫu thuật thần kinh (B9)- Viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Tây). Chi phí cho cuộc mổ khoảng 3-5 triệu đồng. Trong khi chuẩn bị mổ, ông không được xoa bóp hoặc đắp bất cứ thuốc gì vào vùng cột sống thắt lưng- cùng vì có thể gây nhiễm trùng trợt loét da. Hàng ngày, nên uống thuốc giảm đau chống viêm không steroid và tích cực xoa bóp cẳng chân. Tập đi để hạn chế teo cơ ở cẳng - bàn chân phải.
ThS. Phạm Quang, Khoa học & Đời sống |