Hỏi: Tôi được biết trong vụ cháy nổ xe khách ở Bắc Ninh vừa qua đa số nạn nhân bị bỏng đường hô hấp; nhiều người không qua khỏi. Xin cho biết rõ về bỏng đường hô hấp.
|
Nạn nhân vụ cháy xe khách ở Bắc Ninh nằm điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia | Trả lời: Bỏng đường hô hấp là một bệnh lý bỏng có tỷ lệ tử vong cao. Tác nhân gây bỏng thường gặp là không khí bị đốt nóng (trên 50oC), khói và các sản phẩm hoá học có chứa chất khí (là các chất kích thích niêm mạc hô hấp, đồng thời là các khí độc), ngọn lửa cháy (trong các vụ cháy lớn), hơi nước nóng. Cũng có thể gặp bỏng đường hô hấp bởi các chất lỏng nóng như khi ngã ngập xuống hố vôi.
Bỏng đường hô hấp thường gặp khi bị bỏng lửa cháy (nhất là trong buồng kín), bỏng do các vụ nổ (cháy nổ dưới hầm mỏ). Bộ phận thường bị bỏng là họng, hầu, khí quản, phế quản; cũng có thể gặp tổn thương bỏng phế nang. Khi nhiệt độ nóng ở miệng là 350-500oC, nhiệt độ ở thanh quản sẽ lên tới 150-350oC; ở đoạn trên của khí quản tới 80-100oC; nhiệt độ máu ở thất trái của tim cũng lên tới 44oC.
Trên lâm sàng, hiện tượng tắc ùn các đường hô hấp bởi các dịch tiết đờm, các khuôn nút do các khối cơ huyết các tế bào niêm mạc bị hoại tử và bạch cầu tạo thành bít tắc lưu thông không khí. Trạng thái phù ở vùng mặt cổ do bỏng và tổn thương bỏng ở ngực làm cản trở động tác ho tống đờm ra. Phản xạ ho cũng bị mất khi có hoại tử niêm mạc đường hô hấp. Các rối loạn trên dẫn tới khí phế quản thũng, xẹp phân thuỳ phổi do khí phế quản bị nút bí.
Ở người bỏng đường hô hấp, thường thấy mức không khí tối đa, dung tích sống của phổi, chỉ số sử dụng oxy, phân áp khí oxy ở máu... giảm mạnh. Bệnh nhân có triệu chứng: khó nuốt, khó nói, cảm giác khó chịu ở cổ họng nền lưỡi, nói khàn, ho có đờm, khó thở, sốt cao 39-40oC, huyết động mạch giảm...
Các biến chứng viêm mủ phế quản, viêm phổi thường gặp từ ngày thứ ba trở đi. Tử vong ở bỏng đường hô hấp thường gặp nhiều nhất trong những ngày đầu, sau khi bị bỏng.
GS - TS. Lê Thế Trung, Khoa học & Đời sống |