Hỏi: Sau một đợt dùng kháng sinh dài ngày để điều trị bệnh viêm loét dạ dày, tôi đi khám lại, được bác sĩ cho dùng thêm vitamin K để phòng thiếu loại vitamin này. Vậy khi nào cần bổ sung vitamin K? Tại sao cơ thể lại thiếu, và nếu thiếu loại vitamin này thì hậu quả có lớn?
|
Những loại rau quả giàu vitamin K. | Trả lời: Ở người, vitamin K chủ yếu được cung cấp qua đường ăn uống (từ một số thực phẩm như cải bắp, súp lơ, xà lách, thịt, trứng, gan...) và được tổng hợp bởi vi khuẩn đường ruột. Vitamin K có vai trò rất quan trọng trong quá trình tổng hợp các yếu tố đông máu 2, 7, 9 và yếu tố 10. Vì vậy thiếu vitamin K sẽ làm giảm các yếu tố đông máu này và có thể gây tình trạng xuất huyết; nếu không điều trị kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.
Nguyên nhân gây thiếu vitamin K
- Do cơ thể không được cung cấp đầy đủ: hay gặp ở trẻ sơ sinh, vào ngày thứ 2 hoặc 3. Thiếu vitamin K là do sữa mẹ nghèo vitamin K và vi khuẩn đường ruột chưa phát triển để tạo ra vitamin K. Vì vậy những trẻ này rất dễ bị chảy máu ở cuống rốn, xuất huyết não, màng não, tiêu hoá.
- Giảm hấp thu vitamin K : như ở các bệnh nhân bị đi ngoài lỏng kéo dài, cắt đoạn dạ dày, ruột, điều trị kéo dài bằng thuốc kháng sinh, các bệnh gây tắc mật như sỏi mật, viêm đường mật, tắc mật...
- Thiếu vitamin K do vận chuyển: Bình thường vitamin K được hấp thu từ ruột, qua hệ thống tĩnh mạch cửa để vào gan tham gia quá trình tổng hợp các yếu tố đông máu nêu trên. Nếu có nguyên nhân nào đó cản trở hệ thống tĩnh mạch cửa thì có thể gây giảm vitamin K.
- Thiếu vitamin K do sử dụng các thuốc đối kháng với vitamin K như Dicoumaron, Sintrom, Wafarin...
Để điều trị và dự phòng tình trạng xuất huyết do thiếu vitamin K người bệnh cần được bổ sung vitamin K bằng đường uống hoặc tiêm, kết hợp điều trị các nguyên nhân gây bệnh.
BS. Kim Oanh, Khoa học & Đời sống |