Bạn có thể ngủ sâu sau hàng loạt các biến động về tình cảm hoặc chỉ một cú "sốc"? Liệu bạn có trốn được căng thẳng sau một đêm dài thức trắng, hay sau khi trải qua những cơn ác mộng? Kết quả một cuộc nghiên cứu của các bác sĩ tâm lý ở Pháp cho thấy, khi các sự kiện gây stress tăng thì giấc ngủ trở nên tồi tệ hơn. Ngược lại, những người mắc bệnh mất ngủ thường không quản lý được stress cũng như mức độ của stress.
|
Người bị stress có giấc ngủ bất an. |
Một số nhà nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Laval (Québéc, Canada) đã theo dõi thời gian và đánh giá chất lượng giấc ngủ của 67 người, trong đó có 40 người mắc bệnh mất ngủ, trong 3 tuần liên tiếp. Các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến những sự kiện đột ngột gây ra stress trong giai đoạn này cũng như các triệu chứng suy nhược cơ thể. Kết quả cho thấy, những người có giấc ngủ tốt và những người mất ngủ có các sự kiện gây stress như nhau, nhưng với những người mắc bệnh mất ngủ, các sự kiện này nghiêm trọng hơn, thậm chí ám ảnh họ trong một thời gian dài.
Một cuộc nghiên cứu nữa được tiến hành cho 60 phụ nữ ở Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi giấc ngủ đêm của 60 phụ nữ này, đồng thời làm xét nghiệm nước tiểu buổi sáng trong 1 tuần và đưa ra hàng loạt các câu hỏi có liên quan. Những phụ nữ bị stress nói, giấc ngủ của họ luôn trong trạng thái “chập chờn”, thậm chí đi vào giấc ngủ rất khó khăn, nhiều người còn cảm thấy mệt mỏi hơn cả khi làm việc ban ngày. Hơn nữa, tỷ lệ chất cortisol của những người này luôn ở mức cao hơn so với người bình thường có giấc ngủ tốt. Cuộc sống hàng ngày của những người ngủ kém vẫn diễn ra bình thường; tuy nhiên các nhà nghiên cứu khẳng định họ là nạn nhân của chứng suy nhược thần kinh.
Hai nhóm chuyên gia trên đều kết luận, bệnh mất ngủ xuất phát từ các yếu tố tâm sinh lý, trong đó có stress. Trong nhịp sống hiện đại hối hả đầy sức ép của công việc, gia đình, bệnh mất ngủ không còn là căn bệnh của người có tuổi. Mất ngủ vì stress đang là căn bệnh phổ biến của lớp trẻ ngày nay.
Điều trị stress - mất ngủ
Khi thấy giấc ngủ bất an, cơ thể mệt mỏi, tâm trạng luôn lo âu, bạn hãy nghĩ ngay đến cả stress. Việc cần làm là kể rõ các triệu chứng với bác sĩ điều trị để được tư vấn những giải pháp thích hợp nhất. Thông thường, bác sĩ điều trị sẽ đánh giá mức độ stress của bệnh nhân, tìm hiểu kỹ các sự kiện có khả năng gây stress, đồng thời nghiên cứu chất lượng giấc ngủ của họ. Việc cuối cùng là hướng dẫn bệnh nhân tự điều khiển cảm xúc, tình cảm.
(Mạnh Hùng - Theo Doctissimo.com) |