Hội chứng viêm não cấp - tử vong cao, di chứng nhiều
17:16' 22/05/2003 (GMT+7)

Như chúng tôi đã đưa tin, 4 tháng qua các bệnh viện phía Nam tiếp nhận nhiều bệnh nhân viêm não cấp; hầu hết là trẻ em. Đã có 18 ca tử vong; nhiều trường hợp được cứu sống nhưng chịu nhiều di chứng nặng nề. Dưới đây là kiến thức sơ lược về bệnh viêm não cấp và cách xử trí.

Bệnh viêm não cấp là gì?

BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, viêm não cấp (VNC) là một bệnh viêm nhiễm của não bộ, loại bệnh rất nặng gây tử vong và di chứng rất cao. Tỷ lệ tử vong 15-20%, tỷ lệ di chứng 30-35%. Bệnh thường gặp ở trẻ em hơn người lớn, vùng nông thôn nhiều hơn thành thị. Hàng năm ở miền Nam có khoảng 400 đến 600 người và tại BV Nhi Đồng 1 có khoảng 250-300 trẻ mắc hội chứng VNC.

VNC do nhiều loại siêu vi trùng gây bệnh theo đường lây truyền khác nhau:
- Vào máu qua muỗi chích. Muỗi hút máu súc vật như lợn, chim có mang siêu vi trùng gây bệnh rồi hút máu và truyền bệnh cho người. 
- Qua đường tiêu hóa do dùng thức ăn, thức uống có chứa siêu vi trùng gây bệnh.
- Qua đường hô hấp: Người vô tình hít phải không khí có chứa vi trùng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các siêu vi trùng nói trên khi xâm nhập vào cơ thể cũng gây viêm não mà đa số chỉ gây bệnh nhẹ thông thường như sốt, cảm cúm, ho, sổ mũi hay tiêu chảy, nôn. Một số rất ít siêu vi trùng có độc tính mạnh, hoặc cơ thể có sức đề kháng yếu, vi trùng mới tấn công vào não gây bệnh VNC.

Ba giai đoạn và các triệu chứng VNC

- Giai đoạn chưa có dấu hiệu VNC: Kéo dài 2-3 ngày. Ở giai đoạn này, triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện rất nhanh, biểu hiện ban đầu có thể giống những bệnh thông thường khác như sốt, ho, sổ mũi hay sốt, tiêu chảy, nôn hoặc chỉ sốt.
- Giai đoạn sắp hôn mê: Trẻ sốt cao, bỏ ăn, bỏ bú, yếu tay chân. Trẻ ngủ li bì, biếng chơi, lừ đừ, mặt không lanh lợi như trước, hay bứt rứt, hoảng hốt, có lúc trẻ trợn mắt, gồng nhẹ rồi tự hết. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu này nên đưa trẻ tới khám bác sĩ ngay.
- Giai đoạn hôn mê: Trẻ sốt cao, thở mệt, co giật, hôn mê và dễ dẫn tới tử vong.

Khoảng 50% trẻ sau điều trị sẽ khỏi bệnh và hoàn toàn bình thường, số còn lại sẽ tử vong hoặc vẫn sống nhưng bị các di chứng như yếu liệt tay chân, méo miệng, co gồng, động kinh, đi lại khó khăn và nặng nhất là sống đời sống thực vật.

Phòng bệnh VNC

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị đa số siêu vi trùng gây VNC, do vậy việc phòng ngừa là rất quan trọng. Phải chống muỗi đốt bằng cách diệt muỗi, ngủ màn, ăn uống vệ sinh. Đối với trẻ nhỏ, tránh để các cháu mút tay, ngậm đồ chơi và chơi đùa ở những nơi thiếu vệ sinh. Trẻ trên 12 tháng tuổi nên tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản, đặc biệt là những trẻ sống ở vùng nông thôn, nơi có trồng lúa và chăn nuôi lợn.

Sơ chủng tiêm 3 liều: Liều 2 cách liều 1 từ 7-10 ngày, liều 3 sau liều 2 một năm.
Tái chủng: Tiêm nhắc lại sau 3-4 năm. Tuy nhiên, khi trẻ đã chích ngừa viêm não Nhật Bản, vẫn có thể mắc bệnh VNC vì bệnh do nhiều loại siêu vi trùng gây ra.

Làm gì khi nghi ngờ trẻ 1 mắc bệnh viêm não cấp?

- Mang trẻ tới bệnh viện ngay.
- Khi chưa có triệu chứng rõ ràng và chưa có điều kiện đưa trẻ đi khám bệnh thì điều trị tại nhà, chủ yếu hạ sốt bằng thuốc Paracetamol. Cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường, cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu và ăn thành nhiều bữa.
- Không phải tất cả những trường hợp được phát hiện và điều trị sớm đều trở lại cuộc sống bình thường nhưng việc phát hiện và điều trị sớm giúp người bệnh có nhiều khả năng được cứu sống hơn, giảm thiểu ít nhất di chứng có thể xảy ra.

(Theo Người Lao Động)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xử lý sẹo và sẹo lồi (22/05/2003)
Bệnh mày đay (21/05/2003)
Mù thoáng qua (21/05/2003)
Nâng cấp sức khoẻ bằng massage - tắm khô (21/05/2003)
Tại sao trẻ bị cứng đa khớp bẩm sinh? (21/05/2003)
Đái tháo lạt (20/05/2003)
Triệu chứng và cách chữa trị hạt cơm (20/05/2003)
Trị chứng són tiểu ở phụ nữ (20/05/2003)
Trị bách bệnh bằng rau cần tây (20/05/2003)
Thực phẩm chữa bệnh cho nam giới, nữ giới (19/05/2003)
Trầm uất sau khi sinh (19/05/2003)
Ai nên tiêm phòng vaccine viêm gan B? (19/05/2003)
Chữa bệnh hiếu động của trẻ (16/05/2003)
Xương của người nghiện ma tuý rất khó liền (16/05/2003)
Bệnh Marfan (14/05/2003)
Tro ve dau trang