Những mảng tròn, rất ngứa nổi gồ lên trên da bạn; lúc mất chỗ này, lúc mọc chỗ khác làm bạn không lúc nào yên. Chúng có thể biến mất sau vài giờ, nhưng có thể tồn tại gan lỳ hơn 3 tháng. Bạn nên tìm hiểu cách điều trị và chăm sóc da nếu lâm vào tình cảnh khó chịu trên...
Theo các chuyên gia da liễu, mày đay liên quan đến lớp da nông, biểu hiện bằng những mảng tròn rất ngứa nổi trên mặt da, màu hồng, xung quanh có viền trắng. Ở một số bệnh nhân, còn có chứng da vẽ nổi: nếu lấy một mũi kim cùn gãi lên mặt da, tại đường gãi sẽ nổi ngay một mảng mày đay. Các loại mày đay tiết cholin và mày đay do nước gây nên biểu hiện bằng những cục nhỏ như đầu đinh ghim. Các trường hợp mề đay mãn tính do bệnh nội khoa thì biểu hiện bằng những mảng cố định, đối xứng, không ngứa hoặc chỉ ngứa rất ít, kèm theo sốt nhẹ, đau khớp và một hội chứng viêm nhẹ.
Mày đay cấp tính
Bệnh có thể xuất hiện sau khi dùng một số thuốc (các thuốc giảm đau, chống viêm...), sau khi bị côn trùng (ong, muỗi...) đốt hoặc dùng một số thức ăn như quả dâu tây, cá, tôm, cua... Có nhiều cơ chế gây bệnh khác nhau: do chất gây bệnh có nhiều histamin, hoặc chất đó làm giải phóng histamin từ thành ruột, hoặc gây một phản ứng dị ứng. Cuối cùng, mày đay cũng có thể là biểu hiện đầu tiên của một số bệnh nhiễm khuẩn như viêm gan siêu vi, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, một số bệnh ký sinh trùng...
Mày đay mạn tính
Nguyên nhân gây bệnh thường nhiều hơn các nguyên nhân gây mày đay cấp tính. Mày đay mạn tính thường do các yếu tố vật lý, có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải, bao gồm những loại sau: - Mày đay tiết cholin. Đây là hậu quả của việc giải phóng chất acetylcholin từ các tế bào thần kinh. Hiện tượng này thường diễn ra sau khi người bệnh lao động quá nặng hoặc sau khi có một đồ vật đè ép lên da, dễ xuất hiện khi ra mồ hôi nhiều. - Mày đay do lạnh: Đây là loại thường gặp. - Mày đay do nước gây nên, rất nguy hiểm khi bệnh nhân tắm ở sông hay biển. - Mày đay toàn thân khi ra nắng.
Mày đay mạn tính dị ứng
Bệnh do thuốc, thức ăn hoặc do một dị nguyên hô hấp (chất gây dị ứng trong không khí như bụi, phấn hoa...) gây nên. Tuy nhiên, vẫn có 30-40% các trường hợp mày đay không rõ nguyên nhân.
Điều trị
Để chữa bệnh mày đay, bác sĩ thường cho bệnh nhân uống hoặc tiêm các thuốc kháng histamin, đôi khi uống kèm thêm các thuốc khác như chromoglycate de sodium hoặc ketotifen. Những thuốc này sẽ ức chế quá trình mất hạt của các dưỡng bào, làm chúng không giải phóng ra histamin được nữa.
Trong điều trị mày đay, uống hoặc tiêm corticoid chỉ được chỉ định cho những trường hợp mày đay nặng. Bệnh nhân bị mày đay thường được khuyên chăm sóc da tại chỗ như rửa ráy bằng xà phòng acid hoặc nước có pha giấm, hoặc bôi các loại sữa làm dịu da.
Ngoài ra, bệnh nhân nên điều trị các nguyên nhân gây mày đay (nếu có thể), như không dùng những thức ăn hoặc loại thuốc nào có thể gây bệnh, giải mẫn cảm (phương pháp điều trị nhằm làm giảm độ nhạy dị ứng của bệnh nhân). Ngoài ra, ở người bị mày đay thường hay có yếu tố tâm lý nổi trội nên cần được dùng thuốc chống lo âu và điều trị bằng liệu pháp tâm lý.
(Theo Thuốc & Sức khoẻ) |